Bài viết Cảm xúc - Kỷ niệm về Lệ Sơn

TÀU CHỢ THỜI LAM LŨ – Tác giả: Nguyễn Khâm

Được đăng bởi Người Lệ Sơn

Đã có một bài hát đi cùng năm tháng, hay đến mức có người ví như “ma hát”, ám ảnh một lớp người sau cuộc chiến kết thúc: “Con tàu Việt Nam đi suốt bốn mùa vui. Qua đèo Hải Vân mây bay đỉnh núi”… Tàu hỏa lúc ấy đúng là một huyền thoại nối 2 miền Bắc-Nam. Nhưng bên cạnh những con tàu Thống nhất lẫy lừng thì Tàu chợ là nỗi kinh hoàng thời ấy, tàu này đa số người nghèo, tiểu thương, người yếu thế dùng để đi lại (quê tui cũng nhờ Tàu chợ mà cam, cau, bưởi , mít …theo vào phía Nam ùn ùn).

Sau cuộc chiến, Tui – một cựu binh trở về với cái ba lô và vài bộ đồ lính bạc phếch quay lại trường cũ (Đại học Sư phạm Vinh) làm một sinh viên già bất đắc dĩ – để làm lại từ đầu. Chuyến tàu chợ nối từ thành phố Vinh đi các tỉnh phía Nam là bạn đồng hành một thời lam lũ…

Nhớ lại, mua được vé đã khó , nhưng chen được vào ga để lên tàu còn khó hơn nhiều. Người xếp hàng rồng rắn chen nhau. Khi lèn vào được dòng người ấy thì đã tạm thời yên tâm, vì cả dòng người xô đẩy, công kênh bạn về phía cửa lên tàu. Tàu dừng bánh, mọi người ngậm vé trên miệng (vì hai tay đã xách đồ), lại chen lấn, xô đẩy để lên được toa… Nếu có bạn gái đi cùng thì phải cho nàng leo lên trước, ta ở dưới đẩy mông bạn gái lên, để lọt qua cửa chính hoặc cửa sổ toa tàu. Lên được toa rùi chỉ đứng 1 chân, chờ tàu chạy… Có những chuyến tàu chợ, số người ngồi trên nóc toa tương đương số người ngồi bên trong toa tàu…Lên được tàu là bạn sẽ về được đến nhà. dù chưa biết khi nào sẽ tới, vì dọc đường có vô vàn lí do: khi trật bánh, khi chờ tránh tàu, có khi dừng bất kì chỗ nào nếu có các cô gái “phanh nón”, ” phanh phíp” (thời đó nổi tiếng câu truyền miệng: “Phíp đi, ka ki ở lại” (đàn bà mặc quần phíp, đàn ông mặc ka ki)…


Mùa hè năm ấy, tui lại lên tàu chợ. Khi chạy đến ga Kim Lũ thì dừng, nhân viên toa thông báo : Tàu dừng lâu! …ngồi gần 3 h đồng hồ, chật như nêm, không thở nổi, mọi người phải nháo nhào xuống toa, khi xuống ai có gì phải mang theo, rứa là lại chen nhau… Tui chỉ có cái balo xẹp lép nên xuống nhanh. Đang ngồi thở để bù lại oxi thì nhìn từ cửa toa, thấy có viên sĩ quan đeo hàm quân y, vai balo nặng trĩu, trước ngực quàng một bao bố, hai tay xách hai bì to… vất vưởng trèo xuống. Mặt hắn đỏ rựng, mắt ngó mông lung… Ai giống thằng Kiên ri he? Tui thầm nghĩ, gọi thử: Kiên ơi! Hắn quay mặt về phía tui, mất chừng mấy phút… hắn kêu lên : Khâm à, mi phải ko? Một cái ôm thật chặt!… Sau cuộc chiến, sau thời gian đằng đẵng xa nhau, chừ gặp lại thằng bạn ngồi chung bàn từ c1, c2!

Những chuyện thời thơ ấu, chuyện chiến trường cứ rứa tuôn ra… Trời gần tối, bụng đói cồn cào, những người biết lo xa đang lục hành lý tìm đồ ăn… Kiên nhìn quanh, rùi nhìn vào cái bao tải của hắn, Kiên nói : Tau có gạo nếp và cá bống khô, nấu ăn hè. “Buồn ngủ lại gặp chiếu manh”, tui hồ hởi … đứa vơ củi, đứa nhóm bếp, đến đoạn vo gạo, tui nói : Mạ tau bày cho nấu ri ngon nì… Hắn cũng nói: Mạ tau cũng nói rứa… Cái bếp duy nhất giữa núi rừng Kim Lũ mênh mông vào giờ phút ni mới tuyệt làm sao! Ngọn khói lam chiều ngoằn ngoèo bay lên quyện với mùi thơm ngào ngạt của hương nếp giữa rừng, một bữa ăn thật ngon đúng ở mọi nghĩa … Lòng tui xốn xang nhớ lại những bữa cơm nấu vội ở Trường Sơn Tây… Sau này ra trường, rùi đi làm, do tính chất công việc, tui đã dự nhiều cuộc vui, chiêu đãi, khách khứa, cơm Tàu, cơm Tây, nhà hàng này, khách sạn nọ… ngồi với tỉnh trưởng, bộ trưởng… nhưng vẫn nhớ mãi bữa cơm ngon ở Ga Kim Lũ với thằng bạn một thời lam lũ!

(Kỳ sau: Nỗi buồn chiến tranh và kí ức thời bình)

Tác giả: Nguyễn Khâm

Để lại một bình luận