Cảm xúc - Kỷ niệm về Lệ Sơn

QUÊ CHA ĐẤT TỔ(Lương Duy Cán)

Được đăng bởi Người Lệ Sơn

Trong cuộc đời hơn tám mươi năm, tôi chưa thực sự sống ở quê cha đất tổ ngày nào. Thời giặc chiếm, Đồng Hới là vùng địch, quê cha là vùng kháng chiến, tôi không thể về được. Vả lại, cha tôi mất sớm, chẳng có ai đưa tôi về thăm quê.

Làng tôi là làng Lệ Sơn, xưa kia thuộc phủ Quảng Trạch, từ khi quân Pháp trở lại, làng nằm trong vùng kháng chiến, mang tên mới là xã Văn Hoá, thuộc huyện Tuyên Hoá.Lệ Sơn là một trong “bát danh hương” (tám làng nổi tiếng) của tỉnh Quảng Bình: Sơn, Hà, Cảnh, Thổ, Văn, Võ , Cổ, Kim, vì phong cảnh đẹp, có nhiều người tài giỏi.Mà làng đẹp thật. Từ đầu đến cuối, làng trong sự chở che của một rặng núi đá (lèn), ngay bên bờ sống Gianh, giống như một chiếc võng với chiếc đòn khiêng võng. Đúng là thế núi sông của một miền đất văn vật, miền đất tạo nên danh vọng, danh nhân! Ông bà tôi ngày trước còn nói: rặng núi đá sau làng có 99 đỉnh. Hôm ấy, có đàn chim phượng hoàng bay qua, dịnh chọn nơi này làm kinh đô, nhưng sau khi 99 con chim yên vị xong trên 99 đỉnh lèn thì con chim đầu đàn không còn chỗ đậu, bèn bay đi! Nghe chuyện, tôi hơi tiếc, nhưng nghĩ lại thấy hợp lí. Nếu nơi đây làm kinh đô, thì lấy đâu đủ chỗ mà xây dựng lầu gác đền đài! Một làng là vừa đẹp.Vậy mà mỗi lần về làng, tôi cứ bâng khuâng nhìn trời, mong tìm thấy một cánh chim phượng hoàng trong khoảng mây trắng trên đỉnh núi xa!

Theo một vị giáo sư, anh Lương Duy Thứ, Lệ Sơn tên làng vốn ban đầu là Lệ Chi Sơn, núi cây vải, bởi ngày xưa Lệ Sơn đầy cây vải rừng.Làng tôi đẹp thật. Đất làng là đất màu mỡ, lúc nào cũng xanh tốt các vườn cây. Đi từ đầu đến cuối làng, cứ như đi giữa một vườn cây bốn mùa xanh.Tôi từng nghiệm ra rằng: ở nơi đâu phong cảnh hữu tình, non xanh nước biếc, cây vườn tốt tươi, thì đàn bà con gái chắc chắn có nhiều người đẹp!Tôi có một kỷ niệm nhỏ đời. Năm đó, 25 tuổi, tôi lần đầu tiên về làng. Sau khi qua đò Chợ Vang, tôi lững thững vào làng. Đến đầu làng, thấy một cô gái đang đi qua, tôi đến gần để hỏi tìm nhà người chú mà tôi sẽ ghé đầu tiên.Cô gái hơi cười cười rồi chỉ đường cho tôi. Còn tôi thì hơi sững sờ vì cô gái đẹp quá , dáng người xinh, mặt trái xoan, tóc dài, tay chân trắng hồng. Bây giờ thì tôi tin lời người vẫn nói mà hồi trước tôi cho chỉ là lời khoe: con gái Lệ Sơn rất đẹp.May cho tôi , hôm ấy tôi đã không buông một câu tào lao nào. Bởi chiều đó, được đưa đến trình diện nhà một ông bác, tôi nhận ra cô gái đã chỉ đường cho tôi: chính là chị họ tôi! Sau này, khi cùng tôi về thăm làng, con trai tôi, dù trăm phần trăm là dân Sài Gòn, vẫn coi Lệ Sơn là mảnh đất thiêng liêng. Mỗi lần có dịp về Quảng Bình, nó đều về Lệ Sơn rồi lên núi thắp hương lên mộ tổ tiên. Nó cũng nhận rằng con gái Lệ Sơn rất đẹp. Nhưng tôi phải cảnh báo trước: có thể đó là chị em họ hoặc cháu họ con đấy!

Có một điều rất rõ: Lệ Sơn phát mả nghề dạy học. Cách đây mấy chục năm, nghe nói cả làng đã có hơn 200 người làm nghề dạy học, đi nhiều nơi, từ tiểu học đến trung học, đại học. Mà chủ yếu là dạy văn. Ngay cùng lớp với tôi, trong tám chục đứa toàn miền Bắc, đã có ba đứa cùng làng: Lê Duy Minh , Lương Duy Trung, Lương Duy Cán. Trước tôi một khoá là Lê Tư Gia. Lại còn Luong Duy Thứ, bậc chuyên gia về văn học Trung quốc.Có mấy ông lớp cha chú: Ông Lương Duy Tâm, Lương Duy Uỷ, Lương Duy Ý Ông Tâm thuộc lớp thầy giáo đầu tiên của Quảng Bình thời Pháp thuộc, giỏi tiếng Pháp, lại uyên thâm Hán học. Ông đã soạn và cho in ra quyển sách viết bằng tiếng Pháp: Địa lý Quảng Bình.Ông Lương Duy Uỷ từng mở một trường tư thục: Collegeum Nhật Lệ Anh Lương Ngọc Đệ là nhà giáo kỳ cựu. Con trai anh là Lương Ngọc Bính làm tiến sĩ Văn chương, dạy học rồi mới làm nghề lãnh đạo. Bản thân tôi học giỏi toán, đỗ tú tài toán, từng nghĩ sẽ theo khoa học kỹ thuật, thế rồi lại đi sư phạm ngành Văn. Âu bởi cái số vất vả nó xui nên? Gần đây, tôi quen một bạn trẻ cùng quê, lại là một nhà báo, cũng rất mê văn chương chữ nghĩa: Lương Duy Cường. Có lẽ có cái gì đó như một mạch nguồn mà nước chảy ra thì nhất định phải thế, không khác được?

Những năm gần đây, mỗi lần về làng, tôi không còn phải vất vả qua đò Chợ Vang nữa, bởi đã có một cây cầu hiện đại với một con đường bê tông nhựa thênh thang kéo dài đến tận chân núi. Đó là con đường do Nhà máy xi măng Sông Gianh tạo nên. Có lần tôi hỏi đùa Lương Ngọc Bính, lúc ấy đang là bí thư tỉnh ủy: – Có lúc nào thì lèn đá làng mình mất hết vào lò xi măng không nhỉ? – Không đâu chú, làng mênh mông lèn đá, không vào đến 99 đỉnh lèn kia đâu. Tôi nhớ một câu ca : Ta về ta nhớ chợ Cuồi Nhớ hòn Lèn Bảng nhớ người Lệ Sơn Lèn Bảng là ngọn lèn đầu tiên để mở ra dãy lèn trùng điệp của Lệ Sơn. Người xưa cho rằng đó là tấm bảng cho các Tiên học bài. Người ta còn nói rằng từ trong cái hang dưới hòn Lèn Bảng đêm đêm vẫn nghe tiếng trẻ học bài. Hôm tôi về làng thì thấy Lèn Bảng đã nham nhở vì phần lớn đá lèn đã vào lò xi măng. Tôi hơi lo nhưng các cháu cho biết ngọn lèn này không thuộc xã mình, mà thuộc xã Châu Hoá. Dẫu sao thì cũng cứ thấy buồn! Thương các cháu cõi Tiên không còn chỗ để xuống học bài.

Để lại một bình luận