Bài viết Cảm xúc - Kỷ niệm về Lệ Sơn

Trên chuyến tàu chợ Đồng Hới-Lệ Sơn. Tác giả: Nguyễn Thanh Lâm

Được đăng bởi Người Lệ Sơn

Ga Lệ Sơn cũng là một trong những ga tàu có phong cảnh đẹp nhất mà tôi từng biết đến. Nó giản dị, khiêm nhường hòa vào cảnh sông nước mây trời, nép mình dưới những ngọn núi cao chót vót. Mùa hè, nhìn lên những chóp lèn cao vi vu gió thổi, tràn ngập tiếng chim hót và râm ran tiếng ve kêu. Nhìn xuống dưới kia, dòng nước sông Gianh trong vắt lững lờ trôi. Một chiếc thuyền nan hờ hững xuôi dòng như muốn ngủ quên trong làn nước mát. Những đám mây trắng muốt như bông nổi trôi lững lờ trên bầu trời xanh ngăn ngắt. Nhiều lần tôi thấy hành khách Hà Nội, Sài Gòn,.. tần ngần đứng lặng ngắm nhìn rất lâu cảnh quan trời mây sông núi Lệ Sơn rồi ngỡ ngàng thốt lên : Chao ơi! Cảnh ở đây sao mà đẹp thế!

Con đường tàu cũng gắn liền với bao thăng trầm của lịch sử qua hai cuộc chiến tranh tàn khốc. Còn nhớ mãi những đoàn quân ngày đêm hối hả vào Nam ra Bắc trên tuyến đường này. Những Quân Y viện của Đường dây 559 với hàng ngàn thương bệnh binh đã được che chở an toàn trong hầm núi Lệ Sơn. Khi đường tàu còn là đường ô – tô dã chiến phục vụ chiến tranh, hàng đoàn xe đã qua đây để chở hàng vào tiền tuyến. Những ca khúc về đường Trường Sơn cũng được các nhạc sỹ lấy cảm hứng từ đây. Các cô gái TNXP trẻ trung xinh đẹp san lấp mặt bằng cho xe qua sau mỗi trận bom Mỹ. Trong khói bom các cô vẫn vừa làm vừa say mê hát: “Ơi cô gái Trường sơn- bao đêm em đi mở đường-cho từng chuyến xe anh qua – mang giọng hát em ngân xa- Tuổi thanh xuân đến với núi rừng- Dù bom rơi mưa dông nắng lửa- Vượt hiểm nguy xe anh băng qua- Mở đường xe anh ra tiền tuyến …”. Như chính hát về cuộc sống anh hùng của họ. Ngã 3 Lạc Giao, nơi đã từng là trận địa bom đạn vô cùng ác liệt, với biết bao cô gái TNXP miền Bắc (họ đã ở trong nhà tôi và nhiều gia đình ở Lệ sơn từ 1967-1968 ) hy sinh khi làm đường cho xe thông tuyến, như cô Len, cô Lan… Với tôi, họ là những Anh Hùng không khác gì các cô gái Ngã 3 Đồng Lộc. Và Ngã 3 Lạc Giao cũng Ác liệt và Anh hùng không khác gì Ngã 3 Đồng Lộc. Trên đoạn đường sắt này, mỗi gốc cây ngọn cỏ, mỗi địa danh, mỗi ngọn núi khúc sông đều gợi về những chiến công vô cùng oanh liệt và những mất mát đau thương khôn tả, đều thấm máu đào các cô gái TNXP, của biết bao cán bộ chiến sỹ, của quân và dân Lệ Sơn quê tôi. Không biết bây giờ: Ai còn nhớ ? Ai đã quên ?

Thật thú vị khi trên một chặng đường mà ta được đi trên hai loại tàu thật khác nhau: Tàu tốc hành hiện đại lướt êm và chạy nhanh như gió, rất ít khi dừng, hoặc giả dừng vài phút rồi lại lạnh lùng lao vút đi . Tàu chợ chậm chạp, ồn ào, ì ạch, nặng nhọc lê bánh trên từng sân ga. Nhiều khi nó phải dừng tránh tàu cả tiếng đồng hồ làm hành khách rất sốt ruột . Tàu tốc hành từ Đà Nẵng đã về Đồng hới hơn 300km chỉ mất khoảng hơn 5h. Tàu chợ từ Đồng hới về Lệ sơn khoảng 40 cây số cũng vậy. Nhưng bù lại ta có nhiều thời gian để ngắm nhìn và thư giãn. Đà nẵng hiện đại văn minh,ồn ào náo nhiệt, nhà ga hoành tráng, hành khách chen chúc đi, về hết lượt này đến lượt khác không ngừng nghỉ, đủ các hạng người, tây có ta có. Ngồi ở sân ga hoặc ở trên tàu, ai biết phận nấy, chẳng ai hỏi ai 1 câu. Họ cắm mặt vào ĐTDĐ, đọc sách báo hoặc cắn hạt dưa, nhai kẹo cao su, đa số im lặng nằm ngủ…

Nhưng đến ga Đồng Hới tâm trạng tôi đã khác hẳn. Nhà ga khách khứa cũng thưa vắng hơn, cái sự dân dã thôn quê gần gũi đã bắt đầu.Từ cách ăn mặc nói năng, giao tiếp con người ta có phần cởi mở hơn, quan tâm nhau hơn, hỏi han đủ chuyện đủ điều. Tuy ngồi 1 mình ở ga Đồng Hới , tôi vẫn cảm thấy cái gì đó gần gũi, thân tình. Hay tại tôi đã về gần quê nên có cảm giác như vậy chăng? Khi bạn đã đặt chân lên ĐV-32 (Đồng Hới- Vinh 32) thì lập tức cái không khí thôn quê đã bao trùm hẳn. Đoàn tàu ngắn ngủi chỉ có 5, 7 toa nhỏ nhắn, khiêm nhường. Tuy toa khách đơn giản nhưng thoáng mát, sạch sẽ, cảm giác dễ chịu. Nói là tàu chợ nhưng bây giờ không ai đi buôn hàng nữa, hành khách chủ yếu là bà con vùng nông thôn địa phương của các tỉnh miền Trung. Nhân viên tàu bây giờ cũng rất nhẹ nhàng, lịch sự. Họ đứng ở các cửa toa mời khách lên tàu. Nếu lỡ chưa mua vé họ cũng rất từ tốn bán vé cho khách ân cần và chu đáo.

Còn nhớ, các chuyến tàu chợ cách đây 20 năm rất đông người, chật chội. Chủ yếu là người đi làm ăn buôn bán. Hàng hóa, bao bì chất ngổn ngang, tàu bè rât hôi hám bẩn thỉu. Nhiều khi không có chỗ ngồi, phải đứng tạm bợ suốt hành trình, ê cả chân. Nhân viên kiểm vé mặt sát khí đằng đằng, hách dịch. Ai vô phúc không có vé thì, alê hấp -bị đuổi xuống thẳng cổ dù là đang dở chặng đường. Tôi đã bị phạt một lần ở ga Diên Sanh nên tôi biết.

Nghĩ lại, đi tàu chợ bây giờ thật quá sung sướng. Lên tàu, tôi chọn một góc ngay cửa sổ để thoả chí nhìn ngắm hai bên. Bảy giờ tàu mới chạy nhưng 6h30 khách đã lên hết. Đến giờ tàu chạy, tiếng cô phát thanh viên cất lên quen thuộc :- ” Hành khách chú ý- Hành khách chú ý đoàn tàu Đ-V 32 đã được lệnh chuyển bánh. Quý khách ….” .Dưới sân ga , các nhân viên nhà ga bận rộn chạy đi chạy lại, thổi còi toe toét từ đầu tàu đến cuối tàu, phất cờ hiệu rối rít cả lên, báo hiệu tàu sắp chạy, làm như đoàn tàu này đang chở toàn nguyên thủ quốc gia chứ không phải là tàu chợ. Con tàu cũng rú còi liên hồi như muốn tạm biệt và cám ơn những đoàn tàu tốc hành đang nằm lại ga để nhường nó đi trước, rồi nó thở phì phò, nhả khói và bất đầu ì ạch chậm chạp chuyển bánh bò đi. Tôi nghĩ cái tàu này mà lắp đầu máy hơi nước thì hay tuyệt, tôi sẽ có cảm giác như được lùi về quá khứ và đang được ở trên chuyến tàu chợ đã được mô tả từ thời Pháp thuộc, hoặc chí ít cũng gợi tưởng về những năm 80, khi còn đi trên những chuyến tàu khách Hà Nôi -Vinh chạy bằng đầu máy hơi nước của Pháp. Phát hiện này cho ta những cảm giác thú vị khi bỗng chốc được đi trên hai con tàu rất khác nhau như vậy .Có những cái tuy cổ xưa nhưng có cái hay riêng của nó.Theo cách ăn mặc, thì hành khách trên tàu chủ yếu là bà con nông dân, người buôn bán nhỏ, rất ít cán bộ công chức nhà nước. Kể từ lúc này tôi tỉnh táo hẳn lên, cảm thấy háo hức tò mò được nghe bà con nói chuyện với nhau bằng giọng quê “nguyên chất “. Những câu chuyện rất tự nhiên cứ nở như ngô rang ở xung quanh mình.

Một bà mẹ nông dân ăn mặc nâu sồng, người gầy ốm ngồi cạnh tôi, cầm di động gọi cho con gái :- Alô ! Mạ lên tàu rồi con, ì, yên tâm, khôông can xi mô. Đừng khoóc. Chào ùi, nín đi ! Con nì, dà giàu họ họ khôông tin mạ mô, mạ ăn mặc ngó khổ ri tê, họ khôông cho mạ vô dà là đúng ro. Mềnh ở trên rú tê, ngó dư ngài đi tù về nờ, nỏ biết xi, họ khôông cho vô là đúng ro, ì .E họ sợ mạ vô ăn trộm đồ của họ. Khổ cho họ! Mạ cần xi. Khổ thì khổ chơ cả đời mạ chưa ăn trộm cấy kim chạc xỉn của ai năng chừ. Họ nghi kệ họ. Mềnh chân chính là được. Tại họ giàu nên họ khinh ngài thôi. Thôi mạ về da. Con ở lại khỏe da. Hức hức hức…Bà mẹ khóc nức lên. Rồi bà lấy vạt áo lau nước mắt. Tôi đoán đây là một bà mẹ ở vùng cao Tuyên Hóa vào Đồng Hới làm Ô-Sin , rồi vì sao đó mà phải ra về. Mẹ con thân cô thế cô chia tay nhau. Bà quay sang tôi như để phân bua: – Con nì, mệ ở Kim Lụ, có đứa con cấy 15 tuổi vô Đồng Hới mần ô sin, coi con cho họ. Hắn dủ mệ vô làm thuê cho một dà giàu. Mệ vô, họ chộ mệ quê kệch răng đó, họ khôông tin, khôông cho mệ vô dà.Thôi thà về hái đọt sắn ăn trừ bựa nâng hơn mần thuê cho họ con nà. Đúng là: “méng cơm dà giàu nót vô đắng hoọng”. Mệ tra rồi, năm ni cụng kin 60 rồi. Mệ cụng nỏ cần xi con nờ.(ÔI chu cha ! Mệ cùng tuổi tui răng mà tra rứa.Tui định kêu lên, may mà kìm lại được).

Đối diện là một phụ nữ to béo, trạc tuổi 50, nói năng liến thoắng. Mới lên chưa ấm chỗ đã dáo dác nhìn quanh hai bên để tìm người quen. Rồi chị ta bỗng nhiên đập tay đánh đét 1 cái vào đùi người đàn ông ngồi bên cạnh:- Nì ! Mi ngài Minh Lệ chè? Người đàn ông giật thót mình : -Ì ro. ÔI ! ả ra, Ả cụng ngài Minh Lệ chơ rựa? ở đưới Chợ Mới phải khôông? Ả phải ả Trâm khôông hè?-Ì ro ! Hèn xi, tau dòm quen quen, tau đoán tài khôông? Ờ mà mi tên xi hè, tau quên rồi? Người đàn bà sỉnh mũi lên có vẻ tự hào. Ở thành phố mà làm quen khiểu đó, nhiều khi ăn đòn. Rồi hai người nói chuyện rất tự nhiên. Người đàn ông hỏi :- Em tên Tư, Tư gộ ả nà. Rứa lâu ni ả mần xi mô?- Ả đi dạy. Chao ùi, hồi nớ dạy 15 năm trên Cha Lo mà lương nỏ có. Chồng ả chết sớm, một chắc nuôi 3 đứa con ăn hoọc. Cực dít là khi dà bị lụt. Nỏ có ai giúp. Ông Kình nớ mi biết khôông, ông tốt thiệt ro, gíup ả vô tư. Họ nói ông thần kinh chơ có mô … Chừ cực dít là xin việc cho con, không biết mần răng đây. Rứa mi chừ có đi Khe Nét ăn gộ nựa khôông? Bà già ngồi cạnh tôi đã vui vẻ trở lại góp chuyện: – Chào ùi, o khổ hè, tui cũng khổ, đều tui may có 1 đứa con trai đi XKLĐ ở Hà Quốc cũng đợ, con tui hắn mần ni cái máy xi, chộ chụp ảnh gửi về to dư cì dà. Chộ dởi với ngồi máy tính chát chít xi đó, nỏ mần xi nặng cả, lương 20 triệu tháng, khỏe lắm. Bỗng mệ rút điện thoại ra : – Alô ! Răng ? Mi nói hắn đi ngừa à? Ngin chơ ngái ngôi xi mà đi ngừa con. Ì thôi da, ăn uống cho khỏe da, đừng cại mà họ đuổi về thì khổ da. Hai mẹ con lại thút thít khóc qua điện thoại. Rồi mệ quay sang hỏi người phụ nữ: – Ga ni ga mô ri o? (tui giật mình ,tưởng mệ biết tiếng Nhật). Ga Ngân Sơn mệ nờ. Lâu lắm tôi sống và làm việc ở xứ người. Họ nói toàn tiếng Bắc, tiếng miền Nam, tiếng Đà nẵng. Giọng nói của mình cũng đã bị lai tạp nhiều. Giờ được ngồi giữa 1 toa tàu , nghe toàn tiếng “nguyên chất” quê mình sao mà ấm cúng.

Tôi cảm thấy thèm muốn cái sự tự nhiên, gần gũi, mộc mạc chân thành của họ. Không như tôi cứ giữ kẻ , lúc nào cũng có vẻ cao ngạo, khép mình trong vỏ ốc, lúc nào cũng đề cao cảnh giác, thích làm quen nhưng lại kiệm lời .Tôi không có được cái vẻ xởi lởi, chân thành như họ. Đang suy nghĩ thì cái anh bán hàng rong xuất hiện. Nói đến tàu Vinh – Đồng Hới thì ai cũng biết anh này. Anh đã bán hàng trên tàu 30 năm.Tôi đã thấy anh từ khi bắt đầu có tàu chợ cho đến bây giờ. Dáng người thấp đậm, chiếc áo bộ đội cũ mèm treo đủ thứ hàng hóa tạp nham: búp bê, ngoáy tai, chổi lông, dầu gió, kim băng, còi kèn…, đủ trăm thứ bà rằn treo lủng lẳng. Vừa bán hàng vừa pha trò :- Nào bà con mua đi, mua cho cháu con rắn này cho nó chơi đi em. Đôi ta như rắn liu điu -nước chảy mặc nước ta dìu lấy nhau. Nào bà con mua đi, mua đi…Cứ thế đã 30 năm trên con tàu này, cũng tài thật. Thế mà nghe nói anh nuôi vợ với bốn con ăn học, còn xây nhà lầu hai tầng ở Vinh kia đấy. Một bài báo đã viết về anh như vậy.

Đến ga Minh Lệ, mấy cô gái Châu Hóa bán cơm thúng lên tàu.Tôi gọi và mua một dĩa cơm tám thơm với một cái đùi gà ri, trắng muốt, kho nghệ ớt thơm lừng rất bắt mắt, thêm tý dưa cải, ăn rất ngon. Cơm gà Châu Hóa ngon nổi tiếng cũng đã được đăng báo Tuổi trẻ mấy số. Bây giờ chỉ còn lại vài cô bán cơm. Hỏi ra thì biết một số cô đã xin đi xuất khẩu lao động sang bên xứ Mã lai mong kiếm được nhiều tiền hơn cái nghề bán cơm tàu này.

Còn một ga nữa là về đến Lệ sơn. Nhìn ra hai bên cửa sổ mênh mông những ruộng đồng, núi non, sông nước làng quê thân thương. Đây rồi Hung Tắt, Hòn Lèn Một, Hòn Lèn Khum, nhà máy Xi măng đang nhả khói. Trên chiếc cầu vượt qua đường tàu, những chuyến xe tải chạy nối đuôi nhau, chất đầy clanhke. Rồi Đồng Mua, rào Nước Mội, Hàm rồng, đồng Chăm, Bồ Bồ, Nước sống, và dãy lèn với những tên quen thuộc Hung Thơm, Hung Cày , Hung Buồng, Hung Lụy, Hung Mít, Lèn Choi…, cứ lướt qua trước mắt tôi. Những cái tên đã gắn liền với cuộc đời mưu sinh cực nhọc của bao lớp cha ông. Chợt văng vẳng bên tai về câu thơ của ai đó:

Núi Lệ Sơn cao sừng sững như công cha
Nước Linh Giang sâu dạt dào như nghĩa mẹ.


Tàu đã dừng ở ga Lệ Sơn.Tôi bước xuống ga, ngắm lại con tàu một lát và cuốc bộ về nhà. Lòng bỗng thấy vui vui theo mỗi bước chân đi. Đến cánh đồng đầu làng Thượng Phủ, thả ba lô xuống đất , tôi vục mặt vào dòng nước thủy lợi trong veo đang chảy xiết dưới lòng mương. Một làn gió mát rượi từ phía trời xa thổi về mang theo những cảm giác lâng lâng khó tả. Một nềm vui nho nhỏ như mạch nước ngầm tỏa lan trong từng đường gân thớ thịt, lan tận vào mãi trong tim. Bãi ngô non xanh mướt rì rào như lay động cả hồn tôi. Tôi đã về đến quê nhà rồi! Con tàu chợ Đồng Hới – Vinh kéo một hồi còi dài và rời khỏi sân ga.Tiếng còi tàu dội vào vách đá lan truyền mãi trong không trung từ đầu làng đến cuối làng Lệ Sơn. Tôi nhìn theo mãi con tàu cho đến khi nó khuất hẳn sau hầm núi.


(Thanh Lâm – Bàu sỏi – Tháng 6 năm 2014)

Để lại một bình luận