Có một ngôi làng miền sơn cước lưng tựa vào 99 ngọn núi, mặt hướng ra dòng sông Gianh cuồn cuộn sóng vỗ.
Độc đạo vào làng chỉ là một con đò ngang cách trở, nhưng từ hàng trăm năm trước ngôi làng này đã được xếp vào hàng đầu trong tám ngôi làng nổi danh văn vật nhất đất Quảng Bình – đệ nhất bát danh hương: Sơn – Hà – Cảnh – Thổ – Văn – Võ – Cổ – Kim (Lệ Sơn, La Hà, Cảnh Dương – Thổ Ngoạn, Văn Hóa, Võ Xá, Cổ Hiền, Kim Nại).
Không di tích, không của ngon vật lạ, không người kiệt xuất, nhưng ngôi làng heo hút phía tây Quảng Bình được chọn xếp đầu chỉ vì một chữ: học!
Tôi thật bất ngờ khi ông Lương Xuân Quế, chủ tịch xã Văn Hóa, Tuyên Hóa, cho biết cả làng Lệ Sơn chỉ có 3.500 nhân khẩu nhưng theo thống kê chưa đầy đủ thì có đến 800 người làm nghề dạy học, từ cấp I cho đến đại học, ở khắp các tỉnh thành trong cả nước. Một phần tư dân số của một làng làm nghề dạy học – một tỉ lệ khó có địa phương nào đạt được!
Đang là mùa hè nhưng đi khắp những con đường làng của Lệ Sơn. Hầu như không thấy bóng trẻ con chạy rông, nô đùa. Một chị bán nước ven đường làng bảo: “Không học ở trường thì học ở nhà, chỉ đến chiều mới được rong chơi thôi anh ạ”. Khi vào thăm nhà ông Lương Ngọc Đệ, nguyên giám đốc Sở Giáo dục – đào tạo Quảng Bình, một ông giáo hưu 76 tuổi, tôi bắt gặp hình ảnh ông đang dạy học cho hai đứa cháu nhỏ. Ông Đệ cười rất tươi và bảo: “Tôi hưu nhà nước chứ chưa hưu nghề đâu cậu ạ. Nghề cứ theo mình đi cho đến hết cuộc đời. Ở làng có đến 107 ông giáo già hưu trí như tôi, chúng tôi phân công mỗi người phải kèm một số cháu, người còn sức thì kèm cấp cao, người đã yếu thì cấp thấp, không lương bổng, phụ cấp gì cả, đó là trách nhiệm!”.
Hơn 500 năm qua làng Lệ Sơn vẫn bé tẹo như thuở lập đất, diện tích rừng có đến 777ha so với diện tìch trồng trọt là 300ha, cái đói cứ chờ chực quanh năm mỗi khi sông Gianh dựng sóng. Nhưng đối với người Lệ Sơn thì cái ăn còn có thể dừng chứ chuyện học thì không. Họ không chỉ động viên nhau bằng lời nói mà còn bằng một hệ thống khuyến học độc đáo chưa từng có. Theo ông Đệ, ngoài hệ thống quĩ khuyến học của xã do chính quyền tổ chức, ở các thôn, các họ đều đã lập quĩ khuyến học riêng như thôn Trung Làng, Phức Tự, Đình Miễu đã xây dựng quĩ khuyến học từ hơn hai năm qua, thôn ít thì vài triệu, thôn nhiều thì chục triệu… Do số lượng các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhưng hiếu học ở Lệ Sơn nhiều quá, mỗi suất hỗ trợ từ xã từ thôn chỉ khoảng vài chục đến trăm ngàn, nên các họ lớn trong làng tự nguyện lập quĩ khuyến học riêng, như các họ Lê, Nguyễn, Lương, Phan, Phạm… đều đã có quĩ riêng. Đặc biệt họ Lê là họ đại tôn trong làng hiện có tổng quĩ lên đến vài chục triệu đồng để hỗ trợ các em học sinh trong họ đi học.
Ông Lương Ngọc Đệ tâm sự: “Ngày trước chúng tôi đi học còn khó gấp trăm lần bây giờ, không có tiền vào Huế học phải cậy nhờ bà con bên Lào đón sang học, vì từ đây sang Lào còn gần hơn về kinh đô, đi bộ hàng trăm cây số, học xong mới được về làng, vậy mà lâu lâu người làng cũng lặn lội sang gửi cho chút gạo, chút muối rang để duy trì sự học. Mỗi lần ở làng có em nào biếng học hoặc lơ là chuyện học mà lo kiếm tiền thì chính những cụ già sang nhà tâm sự. Những câu chuyện về ông Vĩnh Tường ngày xưa nghèo đến mức nhà không có tiền đi học, phải vừa đi chăn bò vừa học lóm, vậy mà hằng đêm ông đi lượm chân nhang về hang đá của dãy núi Giăng Màn tự học, sau đỗ cử nhân; hay anh em nhà Lê Thời Tập, nghèo đến mức không có được bộ quần áo lành để mặc, vậy mà khoa thi năm 1829 người anh đậu ngôi đầu và người em ngôi á nguyên…”.
Tôi theo ông Đệ ra khu mộ tổ họ Lương sát trong dãy núi Giăng Màn để họp tộc. Ở Lệ Sơn có tục mỗi khi họp tộc hay bàn chuyện đại sự có liên quan đến cả tộc thì phải họp tại mộ tổ như một cách thể hiện sự quyết tâm, cam kết trong cộng đồng. Hôm nay họ Lương họp bàn chuyện nâng cao quĩ khuyến học của tộc để theo kịp họ Lê, vì tuy không phải họ đại tôn nhưng họ Lương ở Lệ Sơn cũng đã “góp” cho nước nhà khá nhiều tiến sĩ, giáo sư, nay còn một số em có ước nguyện học lên cao nên cần sự hỗ trợ nhiều hơn nữa. Bà con ai nấy đồng lòng. Nghe họ Lương họp tộc, họp vì chuyện học cho con cháu mà thấy nghiêm trang hơn cả người ta tổ chức đại hội, có ghi biên bản rõ ràng, mục đích cụ thể, thời điểm hoàn thành. Ông Đệ kể: “Vừa rồi có một bà làm dâu họ Lê, tuổi đã hơn 90, sống bên Pháp gần nửa đời người, nay theo di chúc người chồng đã khuất gửi về nước tặng quĩ khuyến học họ Lê 40 triệu đồng. Ở đây chuyện học và dồn sức cho lớp trẻ học là một nghĩa vụ rất thiêng liêng…”.
Thầy Lê Đức Thiết, hiệu trưởng trường THCS của làng, sau khi đưa tôi đi thăm mộ bản thổ thành hoàng làng về đã tâm sự: “Ở cái đất mà thầy nhiều hơn thợ lắm khi cũng có cái khổ riêng. Vừa rồi thầy học của tôi nhờ tìm một số thợ để sửa nhà, tìm mãi cả làng không ra một thợ hồ, đành phải ra tận Ba Đồn rước thợ vào làm!”. Trên đường về làng tôi gặp ba cha con anh Nguyễn Thụ, một người chuyên nghề vớt củi trên sông mưu sinh, con người tưởng chừng cả đời lam lũ vậy mà đã tốt nghiệp cấp III. Hai đứa con nhỏ xíu ốm nhom vì thiếu ăn cũng đang học lớp 1 và 2. Anh Thụ nói: “Ở làng này có đói cũng không ai khinh, nhưng thiếu chữ thì gay lắm, không dám nhìn mặt ai…”. Năm học 2001-2002 cả làng Lệ Sơn có đến 65% học sinh THCS đậu vào trường THPT công lập và 25% đậu vào dân lập, 10% còn lại đi học nghề hoặc đi tìm việc làm xa xứ.
Theo những khảo cứu của cụ Nguyễn Tú thì Lệ Sơn (Tuyên Hóa, Quảng Bình) không có người đỗ đạt cao trong các khoa thi, không có nhiều người ra làm quan to trong triều như nhiều làng khác như Thổ Ngoạn, La Hà… nhưng người xưa đã chọn Lệ Sơn ghi danh vào sử sách vì tuy là một làng cách biệt miền sơn cước nhưng Lệ Sơn từ xưa đã có trình độ dân trí rất cao. Hầu như tất cả nam phụ lão ấu của làng đều tinh thông Tam tự kinh và Minh tâm bảo giám – một bước tiên tiến của người xưa đánh giá nền học vấn không căn cứ vào học vị, bằng cấp mà bằng trình độ dân trí của toàn dân. Từ thuở ban sơ Lệ Sơn đã được xem như xóa nạn mù chữ hoàn toàn từ trong xã hội phong kiến (trước Cách mạng Tháng 8-1945 cả nước có tới 80% dân số mù chữ – NV).
BINH NGUYÊN
(Theo http://vietbao.vn/Van-hoa/De-nhat-bat-danh-huong/40166678/18)