Bài viết Cảm xúc - Kỷ niệm về Lệ Sơn

Một vài cảm tưởng của hậu duệ Lê tộc đại tôn Làng Lệ Sơn

Được đăng bởi Người Lệ Sơn

Sắp đến ngày giỗ Tổ Lê Lợi, tôi có một vài cảm tưởng của hậu duệ. (22/8/1433 – 22/8/2020) Tôi là hậu duệ đời thứ 15 của Lê tộc đại tôn Làng Lệ Sơn, xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Tôi sinh ra và lớn lên sau cách mạng tháng Tám năm 1945. Qua học tập lịch sử, đọc sách, nghe các bậc tiền bối kể lại truyền thống dòng tộc, tôi được biết: Thủy tổ của chúng tôi húy là Lê Văn Hành, tự Lê Quí Công, Quốc tử giám, giám sinh, làm quan dưới triều Lê Thánh Tông (niên hiệu Hồng Đức). Chánh quán ở làng Yên Mô, tổng Yên Mô, huyện Yên Mô, phủ Yên Khánh, trấn Thanh Hoa ngoại (nay là xã Yên Mạc, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình). Trong những năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ XV ông là Quốc Tử giám, giám sinh làm quan dưới triều Lê Thánh Tông, ông đã theo vua Lê Thánh Tông nam chinh, khi đi qua vùng đất Cồn Vang ( nay thuộc Làng Lệ Sơn, xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) ông thấy đất đai phì nhiêu, mầu mỡ, sông núi hữu tình chưa được khai phá. Năm 1471, ông thôi quan, xin Vua vào khai canh, lập ấp vùng đất Cồn Vang đã khảo sát. Trãi qua hơn 540 năm từ khi khai canh lập ấp, con cháu hậu duệ nối đời sinh tồn đến nay khoảng 20 đời Lê tộc đại tôn cùng các dòng họ khác đến chung sống làm nên làng xã trong đó họ Lê đứng đầu “ bát đại tính”. Sau cách mạng tháng Tám năm 1945 con cháu họ Lê ở tại quê nhà cũng như đi ra nơi khác đều hăng hái tham gia cách mạng, đi kháng chiến, vào quân đội cách mạng, vào dân quân du kích bảo vệ xóm làng lập nhiều chiến công, nhiều người thành đạt trên nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, khoa hoc, văn học nghệ thuật, quân sự, nhiều người trở thành cán bộ cao cấp trong QĐNDVN. Đất nước được thống nhất, cả nước đi lên xây dựng CNXH, số đông thoát ly đi làm việc Nhà nước, số ở quê xây dựng quê hương giàu đẹp, nhiều người tốt nghiệp đại học, cử nhân, tiến sỹ, bác sỹ…. Trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ và anh dũng của dân tộc, chống bọn thực dân Pháp, Đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, đến năm 2015 xã Văn Hóa có 133 liệt sỹ, trong đó họ Lê có 33 người hy sinh vì sự nghiệp cách mạng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, toàn dân xã nhà nói chung, họ Lê nói riêng luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lập được nhiều thành tích đặc biệt xuất sắc, được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu ‘Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” và Huân chương kháng chiến hạng ba. ( lịch sử Đảng bộ Văn Hóa tập I thời kỳ 1930 – 2015). Từ khi đất nước thống nhất giang sơn thu về một mối, trãi qua hơn 40 năm phát huy thành tích trong sản xuất, chiến đấu nhân dân nêu cao ý chí tự lực, tự cường, ra sức khắc phục hậu quả chiến tranh; nỗ lực xây dựng và phát triển kinh tế; củng cố an ninh, quốc phòng nên đã thu nhiều kết quả quan trọng. Trong công cuộc đổi mới của Đảng, bước đầu thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và thực hiện “Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới”, xã nhà, dòng họ đã đạt được những thành tích quan trọng, cơ sở hạ tầng ngày được xây dựng khang trang; đời sống vật chất tinh thần của nhân dân được nâng lên, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới trong đó có sự đóng góp to lớn của dòng tộc họ Lê “ Cư tiên bát đại tính”. Cụ thể trong xã đã xây dựng lại miếu “Thành Hoàng” nơi thờ cúng tín ngưỡng tâm linh tiền bối, xây dựng lại Đình Làng Lệ Sơn xếp hạng “Di tích Văn hóa cấp tỉnh” (Đình Làng trong chiến tranh bị bom Mỹ phá hoại); các nhà thờ dòng họ, đặc biệt họ Lê có 2 miếu đường ( 1 miếu thờ Sơ tổ tiến sỹ Lê Văn Khanh, 1 miếu thờ Thủy tổ Quốc tử giám, giám sinh Lê Văn Hành) đã được trùng tu khang trang, khuôn viên thoáng đẹp nơi thờ tự các tiền bối Lê tộc; xã nhà hoàn thành 19 tiêu chí quốc gia XDNTM, được UBND tỉnh cấp bằng chứng nhận đạt chuẩn quốc gia xây dựng Nông thôn mới năm 2017. Hàng năm đến ngày giỗ chạp Sơ tổ, Thủy tổ hậu duệ dù làm ăn xa cũng cố gắng về dự lễ dâng hương tiên tổ. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, những người con ưu tú của họ Lê làng Lệ Sơn đã góp phần rạng danh dòng tộc đó là: Cụ Lê Duy Lương, Vụ trưởng vụ Á Phi, Bộ Ngoại giao; Cụ Lê Báu – Bí thư Đặc khu Vũng tàu – Côn Đảo; Lê Văn Đang, nguyên Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Minh Tuyên, nguyên Tỉnh ủy viên Chánh thanh tra tỉnh; Lê Minh Ngân, Thứ trưởng Bộ tài nguyên môi trường, Nguyên Tỉnh ủy viên, phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình; Tiến sỹ sử học Lê Thị Thanh Hòa, nguyên cán bộ Viện Hàn lâm khoa học- xã hội Việt Nam đã trăn trở tìm về cội nguồn Lê tộc tại Ninh Bình để tri ân tiên tổ… Trong dòng chảy lịch sử chúng ta tri ân, tôn vinh công lao to lớn của nhân dân đặc biệt con cháu dòng họ Lê chung lưng đấu cật, đoàn kết vượt mọi khó khăn để có được sự phồn thịnh hôm nay. Tinh thần hòa hiếu với các họ như anh em một nhà, tình nghĩa đậm đà thủy chung vô cùng đẹp đẽ và trong sáng. Đó là sức mạnh như trăm con suối đổ về một dòng sông, lòng yêu quê hương, dòng họ đang dâng trào sức sống. Xin cúi lạy anh linh đức Vua Lê Lợi đã sản sinh ra dòng tộc Lê Sơ muôn đời thịnh, làm rạng danh Tổ quốc. (Tham khảo nhiều tài liệu)

Tác giả: Lê Trung Kiên

Để lại một bình luận