Có thể nói, ở Quảng Bình hiếm có làng cổ như làng Lệ Sơn, nay là xã Văn Hoá, huyện Tuyên Hoá. Và từ hơn 500 năm qua, Lệ Sơn đã đi vào lòng người Quảng Bình với những dấu ấn lịch sử văn hoá: huyền thoại, cổ xưa, phong cảnh hữu tình và văn vật.
Lệ Sơn có phong cảnh đẹp hơn cả bức tranh thuỷ mạc. Từ phía tây sang đông nam, dòng sông Gianh uốn khúc trông như dải lụa mềm ôm lấy xóm làng. Phía tây nam là dãy núi Lệ Sơn trùng điệp với nhiều hang động, trong đó có động Chân Linh là một thắng cảnh có tiếng.
Dãy núi Lệ Sơn cao vời vợi có 99 đỉnh núi, nơi đây có nhiều huyền thoại: Ngày xưa, có một đàn chim phượng hoàng 100 con bay đi tìm đất lập kinh đô đã về đậu trên 99 đỉnh núi Lệ Sơn. Vì thiếu chỗ đậu cho một con nên đàn phượng hoàng đã bay đi, Lệ Sơn đã không trở thành kinh đô… Một trong những huyền thoại được nhắc nhiều nữa là một tiên nữ giáng trần mà ngày điện thờ trên động Chân Linh vẫn còn vết tích. Chuyện kể rằng, thuở ấy, một tiên nữ xuống trần, mê cảnh đẹp ở đây, liền về thiên đình tâu với Ngọc Hoàng, Lệ Sơn trần gian ấy có 3.000 cảnh đẹp. Ngọc Hoàng liền cho tiên nữ ấy xuống trần gian làm chủ động Chân Linh, thay quyền phong vũ cứu dân. Đến đời Gia Long, vua đã phong cho tiên nữ này là “Tuyên triết thế nhân” và ban chức “Phủ đẳng thượng thần”, hàng năm phủ Quảng Trạch có tế lễ. Đền Chân Linh có cách đây hơn 400 năm, được Dương Văn An chép trong sách “Ô châu cận lục”…
Thiên nhiên đã ưu ái cho Lệ Sơn địa hình, địa thế, sông núi, làng mạc kỳ vĩ. Do vậy, có chuyện kể, ngày xưa, có một thầy địa lý đi qua vùng Lệ Sơn, khi quan sát địa thế, sông núi… đã cho rằng đây là vùng đất có long mạch; đầu rồng nằm ở Lệ Sơn, còn đuôi rồng ở La Hà (Quảng Văn, Quảng Trạch)… Trong suốt tiến trình lịch sử mấy thế kỷ qua, với trên 20 thế hệ kể từ năm 1471 khi làng Lệ Sơn chính thức thành lập đến nay, nơi đây đã sinh ra nhiều anh tài. Lệ Sơn được xếp đứng đầu trong “Bát danh hương” của Quảng Bình: Sơn, Hà, Cảnh, Thổ, Văn, Võ, Cổ, Kim. Và một trong những người con ưu tú của Lệ Sơn đã làm rạng danh quê hương, đó là vị tướng tài hoa có nhiều huyền thoại Hoàng Sâm, tên thật là Trần Văn Kỳ. Ông là người đội trưởng Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân năm xưa và là một trong những vị tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Hoàng Sâm đã ngã xuống trên chiến trường Trị – Thiên khi bước vào tuổi 54 tài năng độ chín, tên tuổi của ông đã khắc sâu vào sông núi của đất nước.
Trong kháng chiến chống Pháp, để bảo vệ vững chắc cửa ngõ căn cứ kháng chiến, bảo vệ an toàn các cơ quan đầu não của tỉnh lúc đó tập trung ở Tuyên Hoá, Lệ Sơn được xây dựng thành làng chiến đấu kiểu mẫu, đã kiên cường, dũng cảm đập tan các cuộc tấn công, càn quét của địch, trụ vững vị trí tiền tiêu của chiến khu Tuyên Hoá. Trong kháng chiến chống Mỹ, phát huy truyền thống đánh giặc giữ làng, quân và dân Lệ Sơn tiếp tục lập nên những chiến công vẻ vang trong chiến đấu và sản xuất… Từ một làng văn vật được xếp đứng đầu trong “Tứ danh hương” Bắc Bố Chính và đệ nhất “Bát danh hương” của Quảng Bình, đến làng chiến đấu anh hùng, Lệ Sơn- Văn Hoá ngày nay, đã trở thành vùng đất địa linh nhân kiệt, văn võ song toàn.
Ngày nay, Lệ Sơn – Văn Hoá đã tiếp tục vươn mình trỗi dậy từ những tiềm năng thế mạnh của đất đai và con người nơi đây, thể hiện sự khởi sắc của nông thôn mới. Nhà cửa nhân dân đã có trên 95% ngói hoá và nhà xây, tiện nghi sinh hoạt trong gia đình ngày một khang trang, đời sống tinh thần được nâng lên một bước. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, người dân Lệ Sơn đã đóng góp hàng vạn ngày công, hàng trăm triệu đồng để làm mới và mở rộng đường liên thôn, liên xã; xây dựng nhà văn hoá; xây dựng và trạm y tế, trường học và kiên cố hoá hệ thống kênh mương thuỷ lợi…
Điều đáng nói hơn, Lệ Sơn- Văn Hoá là một trong những xã đầu tiên của Quảng Bình được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, THCS. Người dân Lệ Sơn có truyền thống hiếu học, một nét độc đáo là gần như nhà nào ở Lệ Sơn cũng có con em làm nghề giáo. Nhiều gia đình cả ba, bốn thế hệ đều theo nghề giáo. Họ hướng cho con cái sống theo phương châm “Một kho vàng không bằng một nong chữ”. Điều này được bắt nguồn từ xa xưa, khi vào khai canh lập làng, cụ tổ họ Lê, tức là ông Lê Văn Hành đã quyết mời cho bằng được thầy dạy học là Trần Cảnh Huống (là cụ tổ họ Trần ở Lệ Sơn) cùng đến định cư nơi đây, nên lập làng, Lệ Sơn đã có thầy dạy học và mở trường học ngay.
Có thể nói, Lệ Sơn là một trong những cái nôi hình thành, bảo lưu và giữ gìn các giá trị văn hoá tinh thần mà trải qua bao thăng trầm của lịch sử vẫn còn tồn tại bền bỉ cho đến ngày nay.
Hương Trà (Theo Báo Quảng Bình)