Bài viết Cảm xúc - Kỷ niệm về Lệ Sơn

VƯỜN CAM TRONG KÝ ỨC

Được đăng bởi Người Lệ Sơn

Khi tôi sinh ra thì nhà tôi đã có vườn cam này rồi, khu vườn trồng toàn là những gốc cam Voi – quê tôi vẫn gọi như vậy. Tôi không biết nguồn gốc loài cam này từ đâu, ai đã đặt tên cho loài cam này, sau tôi tự nghĩ rằng, có thể vì kích thước quả cam này lớn so với các loại cam khác, nên người ta mới đặt cho nó một cái tên gắn liền với loài động vật có thân hình đồ sộ như loài voi. Thường người ta vẫn hay ví von  như là: khỏe như voi, to như voi, ăn như voi….mà!

Cha tôi kể là, đây là vườn cam do ông nội tôi để lại, ông tôi mất trong một đợt bom B52 do Mỹ rải thảm xuống Quảng Bình, trong những năm tháng khốc liệt khi Mỹ mở rộng đánh phá ra miền Bắc năm 1965. Mỗi khi kể lại cho anh em chúng tôi nghe về điều này, cha tôi vẫn chưa hết xúc động khi nhắc rằng ông tôi đã mất trong đau thương như thế nào, nhà cửa đã bị cháy rụi ra,… khiến anh em chúng tôi cũng rưng rưng một nỗi niềm xúc động khó tả.

Còn nhớ, khu vườn trồng toàn cây cam Voi, thỉnh thoảng có xen kẽ cây cau, một vài gốc bưởi Thanh Trà còn bao quanh là những bụi tre xanh mát nằm san sát nhau, tạo thành từng lũy. Bóng tre che mát cả khu vườn, vừa làm hàng rào, vừa cho củi đốt.

Mùa xuân, khi những cơn mưa bắt đầu xuất hiện với những hạt nhỏ li ti bay trong không khí, cũng là lúc hoa cam bắt đầu nở. Khu vườn rộn ràng bởi mùi thơm của hoa cam, của những lá cam non bắt đầu nhú chồi. Bọn ong ở đâu cũng thi nhau bay về và có vẻ  như là vội vã hơn bao giờ hết. Những chú ong thợ miệt mài  hút mật, vừa giúp cam thụ phấn, ôi thiên nhiên thật diệu kỳ! Những bông hoa cam trắng, nở thành chùm, xen kẽ những chiếc lá xanh non, nhìn thật mát mắt. Có nhiều gốc cam, hoa nở trắng xóa, át cả những chiếc lá xanh non. Nhìn cây cam nở có thể đoán mùa đông sắp tới, gốc cam nào cho nhiều quả hơn. Những hôm trời tạnh ráo, tôi thường hay tha thẩn dưới gốc cam, chơi đồ đoàn hoặc chỉ để leo trèo cho vui. Thường thì tôi hay chọn gốc cam nào có nhiều nhánh, cách mặt đất cũng không quá cao để thuận lợi cho việc leo trèo, hi hi. Vậy nên, có một số gốc cam trong vườn, một số nhánh cây trở nên nhẵn bóng do tụi con nít chúng tôi hay  leo trèo. Mùa này, tôi vẫn nhớ là trước khi đi đâu cha vẫn không quên dặn anh em chúng tôi là không được leo trèo kẻo hoa cam rụng hết, ít bữa cây sẽ cho ít trái. Cha nhắc vậy thôi, chứ đợi cha ra khỏi nhà tụi tôi lại cứ thói quen cũ vẫn leo trèo, hét hò cãi nhau om sòm, oang cả một góc vườn ấy.

Khi tiết trời chuyển sang mùa hạ, cũng là lúc cam đã cho những quả tròn tròn, màu xanh đậm, bằng viên bi hoặc có thể hơn. Lúc này, cha tôi bắt đầu đào đất xung quanh mỗi gốc cam để bón thêm phân chuồng đã ủ hoai trước đó. Vì sợ ảnh hưởng đến gốc, nên cha tôi đào một vòng tròn, cách gốc cam chừng nửa mét rồi bón phân, sau vùi đất lấp lại. Cha làm tỉ mẩn như vậy, từng gốc, từng gốc một cho đến hết. Một công việc nữa mà cha tôi vẫn hay làm, vào mỗi buổi trưa hè, đó là bắt sâu cho cam. Kẻ thù của cam là lũ sâu đục thân, nó bằng cách nào đó, đột nhập vào bên trong thân mỗi gốc cam, ăn hết phần nhựa cùng thân cam rồi làm tổ ở trong đấy luôn, nhiều cây cam không trụ nổi với lũ sâu đục thân, đành ngã gãy cành, thật đáng thương!. Tôi chưa thấy ai bắt sâu cam như cha tôi, ông tìm những cái vòi ở cây mây, một loại cây được dùng để đan lát vì có độ bền và thẩm mỹ  cao. Mỗi cái vòi mây là vô số gai nhọn giúp mây bám trụ, độ dài thường ba đến bốn gang tay người lớn, tùy thuộc vào độ tuổi của cây. Sau khi có vòi mây, cha tìm những gốc cam bị lũ sâu đục thân, nhựa chảy ra cả ngoài vỏ, ông đưa vòi mây vào bên trong qua những lỗ nhỏ và kéo ra, tôi để ý thỉnh thoảng cha lại kéo ra một con sâu đục thân béo mầm, vẫn còn cựa quậy. Tôi sợ sâu, (đến giờ hơn nửa đời người rồi vẫn chưa hết sợ) nên chỉ đứng ở xa và quan sát. Cha làm việc này một cách tỉ mẫn, kiên trì như vậy, ít nhiều cũng đã hạn chế được sự phá hoại của lũ sâu, nhưng  vì lũ sâu tinh quái có nhiều cách để tàng hình nên mỗi năm, trong vườn đều có một vài gốc cam bị sâu phá hoại. Lũ sâu âm thầm phá hoại từ bên trong nên không còn cách nào khác để cứu cây,  không như thời nay đủ loại thuốc trừ sâu, con người không phải bắt sâu một cách thủ công như vậy nữa!. Có một điều gần như là quy luật, hễ cứ thấy gốc cam nào, nhánh cam nào cho quả thật sai thì y như rằng có sâu đục thân bên trong và cành sẽ gãy trong thời gian tới, ngay khi quả cam chưa kịp chín, thật đáng thương!.

Mùa thu, khoảng tháng 9, 10 trở đi, quê tôi thường là mùa mưa bão, quả cam lúc này đã lớn bằng chén trà uống nước, gốc nào được sức thì còn cho quả to hơn.  Lúc này, vỏ cam vẫn còn dày, màu thẫm xanh và ruột bên trong vẫn còn chua lắm. Những hôm trời nổi gió mưa, những ngày bão về, rất nhiều  gốc cam, quả cam bị gió, bão quật gãy đổ, quả rơi tứ tung khắp cả vườn. Cha me tôi nhìn cam rơi mà thở dài trong tiếc nuối. Dường như, bao nhiêu quả cam rơi đã làm tiêu tan bấy nhiêu niềm hy vọng của mẹ cha tôi trong những tháng ngày gian khổ ấy. Sau mẹ tiếc quá, mang rổ ra vườn, nhặt lấy những quả cam còn xanh, mang ra chợ bán. Thường thì rất ít người mua, may mắn lắm thì được mấy bà buôn mua lại với giá rẻ bèo, cả rổ cam xanh bán ra đủ để mua một chai nước mắm, có hôm còn không bán được lại phải ngậm ngùi mang về. Vì còn xanh nên vị cam còn chua lắm, anh em chúng tôi muốn ăn thì phải ăn kèm thêm muối, ớt nữa, để trung hòa cái vị chua loét kia. Đôi khi tiếc quá thì ăn vậy và cũng có thể vì quá đói, không còn thứ gì ăn nữa nên thi nhau ăn thôi, gắng lắm thì mỗi đứa hết một đôi quả, vì có ăn thêm cũng không được vì vị chua kia đã làm ê hết cả bộ răng rồi còn đâu.

Đông về ,cũng là lúc vườn cam bắt đầu chín quả. Khai nhị, đơm hoa vào mùa Xuân, hấp thu ánh nắng rực rỡ, chói chang của mùa hè, trải qua bao khắc nghiệt của mùa thu mưa bão, mỗi quả cam trải qua một hành trình đầy nắng và gió để rồi kết tinh vị ngọt vào mùa Đông. Lúc này, vỏ cam không còn màu xanh nữa mà đã chuyển sang màu vàng sẫm. Kích thước quả cam đã đạt đến tối đa, thường thì bằng bát ăn cơm, có quả còn có thể hơn, to bằng tô canh ấy chứ. Lúc này, ánh mắt cha mẹ tôi dường như lấp lánh hơn mỗi khi ra vườn. Cha thường đi một vòng rồi lẩm nhẩm ước tính xem cả vườn năm nay được bao nhiêu quả. Năm nào mưa thuận gió hòa thì được hơn ngàn quả cam, hồi đó chỉ đếm quả chứ không cân như bây giờ. Nhà tôi thường bán cam vào trước Tết ít ngày, bán cho mấy người lái buôn ở trong Lý Hòa ra mua sĩ cả vườn. Sỡ dĩ bán vào thời gian này vì lúc này cam đạt đến độ chín, hơn nữa dịp này cha mẹ cần mua sắm để chuẩn bị cho một cái Tết đầm ầm, no đủ hơn. Bánh chưng, bánh tét, thịt lợn, áo quần cho anh chị em chúng tôi và cả gạo ăn lúc ra giêng hai đói kém nữa…, tất cả đều trông chờ cả vào vườn cam này. Những ngày chờ bán cam, anh em chúng tôi được thỏa thích chọn những quả cam ngọt nhất vườn để ăn. Đi học về, sau khi cất cặp sách là tôi chạy ra vườn ngay. Đứng dưới quan sát gốc nào dễ trèo, leo lên hái rồi ngồi trên đấy ăn luôn. Bằng kinh nghiệm của mình, tôi thường chọn quả nào vỏ hơi nám một chút, nằm ở nơi nào hấp thu nhiều ánh nắng mặt trời thì thường  là quả cam có vị ngọt hơn. Ngược lại, quả nào nằm lẩn khuẩn trong lá hay những nơi ít ánh nắng chiếu tới thì có vị chua hơn. Cha tôi dặn, bóc cam ăn xong thì nhớ cất vỏ cam thật cẩn thận,  chớ vất lung tung kẻo lũ đồi biết (đồi là cách nói tránh chỉ lũ chuột phá hoại cam). Bọn chuột thật ranh mãnh, vào ban đêm, đợi khi chủ nhà ngủ say, bằng một cách nào đó, chúng chọn những quả cam to và ngọt nhất, ở vào những nơi khó hái nhất để ăn. Có quả ngọt chúng ăn bằng hết chỉ chừa lại vỏ, có quả thì chúng ăn nham nhở, vậy nên sáng nào ra vườn cũng bắt gặp mấy “chiến tích” do chuột để lại. Để đối phó với lũ chuột ranh mãnh kia, cha tôi nghĩ ra một thứ để xua đuổi chúng, đó là một dụng cụ được chế tạo từ cây tre trong vườn. Cha chọn cây tre nào có kích thước khá lớn, bên trong ruột rỗng để khi va đập sẽ tạo nên tiếng vang lớn để xua đuổi lũ chuột kia. Khúc tre dài chừng sải tay người lớn, số lượng là 2 khúc tre như vậy và một sợi dây dài, một khúc cố định vào một cành cam nào đó, thường là cành có nhiều quả, còn khúc kia để cố định một đầu, đầu kia nối với sợi dây để mỗi lần kéo dây thì tạo ra tiếng va đập vào hai thanh tre, lũ chuột vì vậy mà không dám bén mảng. Mùa đông, khi trời sẩm tối, thường thì cả nhà tôi quây quần quanh bếp lửa. Vì nhỏ nhất nhà nên tôi là đứa hay bị sai vặt, và đi kéo dây đục đạc (cha tôi vẫn hay gọi như vậy) là một trong số những việc tôi hay làm. Chỉ cần đứng nơi góc giường ba tôi nằm, rồi lấy hết sức kéo sợi dây kia thì ngoài vườn sẽ vang lên tiếng tre gõ vào nhau “cốp, cốp, cốp…” thật vui tai. Lũ chuột chắc chắn sẽ bớt hoành hành ngang dọc vì âm thanh này. Đêm khuya, khi tỉnh giấc, cha tôi vẫn không quên kéo sợi dây kia để xua đuổi lũ chuột. Hết mùa cam, đục đạc được gỡ xuống, đợi mùa cam tới ba lại làm cái khác, cứ như vậy, năm này qua năm khác.

Khi những người lái buôn từ trong Lý Hòa về làng tôi, mang theo những chiếc sọt to tướng, đi từng vườn trong xóm để hỏi mua thì nhà tôi như là một địa chỉ quen thuộc. Các lái buôn đi một vòng khắp vườn, sau khi quan sát, tính toán họ sẽ trao đổi, thỏa thuận với cha mẹ tôi về giá cả. Cha mẹ tôi gốc nông dân, thật thà chất phác là phẩm chất vốn có, cũng không cần đôi co gì nhiều, một lát giá cả đã thỏa thuận xong. Lúc này, cha sẽ phụ với các lái buôn hái cam xuống. Khi hái cam cần thận trọng,  phải có lá, một ít cành đi kèm mới được giá vì người mua chủ yếu để thờ cúng nên cần đẹp mắt. Tuy thận trọng là vậy, nhưng cũng không ít quả chưa hái đã rụng trước do chín đã lâu. Những quả rụng, không có cuống đi kèm, lái buôn thường mua với giá thấp hơn những quả đủ lá cành. Tôi vẫn nhớ cảm giác hụt hẫng của mình mỗi khi vườn cam hái bán cho lái buôn xong, mới hôm nào, cành cây còn lủng lẳng bao nhiêu là quả, vậy mà chỉ sau một buổi, khu vườn đã trở nên trống trải, xác xơ…

Theo tháng năm, cha tôi ngày một già yếu, khu vườn cũng vì thế trở già cỗi thì thiếu bàn tay chăm sóc của cha. Nhiều gốc cam không trụ nổi với lũ sâu đục thân nên gãy đổ. Về sau, không chỉ vườn nhà tôi, mà các vườn khác trong làng cũng không còn trồng nhiều cam Voi như trước nữa. Phần vì loại cam này không cạnh tranh nổi với các loại cam khác có độ ngọt và màu sắc đẹp hơn.

Giờ đây, khi trên thị trường đã đủ các loại cam, chỉ cần ra chợ hoặc ra siêu thị là có thể chọn cho mình một loại cam ưng í nhất. Tuy vậy, tôi vẫn không sao quên được những ân tình mà quả cam Voi mang lại cho gia đình tôi những ngày tháng gian khó ấy. Ký ức về vườn cam, về người cha già cần mẫn vẫn như còn vẹn nguyên trong tôi./.

Ngày 12/10/2020

Lê Thị Thu Hồng

Đồng Hới, Quảng Bình

Di động: 0358 464 898   

Email: hongtnxp@gmail.com

Để lại một bình luận