Cảm xúc - Kỷ niệm về Lệ Sơn

Tế lễ Bản Thổ Thành Hoàng Làng Lệ Sơn (Phần 3)

Được đăng bởi Người Lệ Sơn

Giới thiệu tư liệu quý về Lễ tế Bản Thổ Thành Hoàng Làng Lệ Sơn do Thầy giáo Lương Duy Niệm biên tập và thực hiện
Bài viết về phần 1,2 đã đăng:
1. Tế lễ Bản Thổ Thành Hoàng Làng Lệ Sơn (Phần 1)
2. Tế lễ Bản Thổ Thành Hoàng Làng Lệ Sơn (Phần 2)
 Từ hòa bình lâp lại, làng Lệ Sơn bỏ lễ tế Bản thổ thành Hoàng Làng. Đã lâu lắm rồi, tôi cũng không nhớ chính xác lễ tế Bản thổ thành Hoàng Làng vào thời điểm nào vì lúc đó tôi còn nhỏ nhưng vì sao tôi khẵng định được là ngày rằm tháng 6 âm lịch. Vì các cơ sở khoa học sau đây:

– Thứ nhất: Trong gia phả Bát đại tính có ghi :  ” … Ông Lê Văn Hành đã phong cho Lạng Động Hầu làm Bản Thổ Thành Hoàng làng Lệ Sơn. Ông bà Lạng Động Hầu không có con nên sau khi qua đời được lập đền thờ, hàng năm được dân làng thờ cúng. Đến năm 1902, ông Cả Hăng, một người con cháu trong dòng họ đã sáng tác bản luyện cầu tế Bản thổ thành Hoàng Làng làng Lệ Sơn lưu truyền cho đến ngày nay “

– Thứ  hai: Trong bài thơ : CON TRÂU TẾ LỤC NGOẠT của cụ Lương Kỉnh đã viết như sau:

Lao lực với người trâu khỏe ghê / Quanh năm cày kéo chẳng nề chi / Thức ăn ngày tháng rơm cùng cỏ / Khoai lúa đem về cũng chẵng suy / Tơ lụa làm ra nhường tất cả / Khi vui phiên chợ cũng ra đi / TỤC LỆ CHƠI TRĂNG RẰM THÁNG SÁU /Dưới cờ nghi lễ cũng nâng ly / Ghếch chân nằm mát trên tòa chính / Mũ áo long lân phục lạy quỳ” .

Dưới bài thơ có ghi chú: “Ở làng LỆ SƠN ngày xưa hàng năm vào đêm rằm tháng sáu âm lịch, làng mua một con trâu làm thịt để nguyên cả con thui chín để giữa đình làng để tế Bản Thổ Thành Hoàng. (Theo “LỆ SƠN XUÂN VỌNG ” – Sở VHTT Quảng Bình tháng 4 – 1999 )
 Như vậy có thể khẳng định lễ tế Bản thổ thành Hoàng Làng làng Lệ Sơn đúng vào đêm rằm tháng sáu. Lễ tế Bản thổ thành Hoàng Làng, cùng với các lễ hội khác, như lễ hội cầu mưa, làng làm thịt 3 con chó cúng thần linh tại miếu thờ động Chân Linh (Ông cha ta đã thả 3 thủ chó  xuống vực lèn Đứt Chin để cầu mưa, với quan niệm hồi đó, đầu chó là vật bẩn thỉu, dìm xuống chân Động thì trời sẽ mưa to để rửa trôi đồ bẩn thỉu đó đi ).

Làng Lệ Sơn có bao nhiêu lễ hội khác. Đó là những lễ hội của một nền văn hóa lâu đời mang đậm bản sắc dân tộc mà chúng ta cần phục dưng lại. Ngoài mục đích khôi phục một nền văn hóa lâu đời vốn có của một lịch sử hào hùng của làng, nó còn mang tính nhân văn về “uống nước nhớ nguồn” là môt sự tri ân đối với tổ tiên đã có công khai dựng nên làng Lệ Sơn và tôn vinh truyền thống dựng làng và giữ làng của ông cha ta.

Ngoài mục đích tâm linh mong muốn trời thuận gió hòa mùa màng tươi tốt, dân làng hạnh phúc, còn làm thế nào để xứng với TỨ DANH HƯƠNG của phủ Quảng Trạch và BÁT DANH HƯƠNG của tỉnh Quảng Bình. Vì đây là môt làng đã có một bề dày lịch sử, có những truyền thuyết tuyệt vời. Một làng luôn sinh nữ tú trai tài. Nhưng tôi nghĩ những người có tài thì thường ” xuất ngoại “, vì vậy tôi đề nghị với con em có máu mặt phải có trách nhiêm chung tay, chung quan điểm, chung tiếng nói để khôi phục lại nền văn hóa vốn có của nó. Chúng ta còn nghèo, nhân dân làng Lệ Sơn còn nghèo, ta chưa yêu cầu về mặt vật chất, chúng ta  cần về mặt tinh thần. Chúng ta chưa xây dựng lại được đình làng thì chúng ta tế lễ dưới gốc đa cũng được (Gốc đa xã mới phuc trồng lại chỗ gốc đa xưa khá đẹp). Chúng ta chỉ cần huy động trống chiêng thanh la cờ xí ….có ở các thôn là được. Còn vật chất không có trâu to thì trâu nhỏ. Mỗi người vỗ tay nên bộp là được
Tôi xin  mạo muội trình bày quan điểm của mình, có gì sai sót xin lượng thứ./

Để lại một bình luận