Bài viết Bài viết lấy từ nguồn khác

LÀNG LỆ SƠN “ĐỆ NHẤT BÁT DANH HƯƠNG” CỦA ĐẤT QUẢNG BÌNH

Được đăng bởi Người Lệ Sơn

Làng Lệ Sơn tựa bên dãy núi đá vôi trùng điệp, mặt trước bao bọc bởi dòng sông Gianh thơ mộng, nước sâu thăm thẳm như một dải lụa màu xanh mềm mại uốn quanh. Lệ Sơn như một bức tranh thuỷ mặc, nếu có dịp đi du lịch Quảng Bình bạn hãy dành thời gian đến đây để tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp nơi này. Từ đầu tới cuối làng là con đường đầy bóng tre xanh trải dài theo mép sông. Phong cảnh Lệ Sơn được một người con xa xứ họa bằng thơ rằng: Sông trong in thẳm da trời/Chập chùng núi biếc, ngời ngời trăng thanh.

Làng Lệ Sơn “Đệ nhất bát danh hương” của Quảng Bình

Làng Lệ Sơn được thành lập từ năm 1471, diện tích khoảng 770ha. Hơn 500 năm qua, Lệ Sơn đã nổi tiếng khắp Quảng Bình với nhiều huyền thoại cổ xưa, phong cảnh hữu tình và văn vật. Từng một thời đứng đầu trong bát danh hương của tỉnh Quảng Bình là: Sơn, Hà, Cảnh, Thổ, Văn, Võ, Cổ, Kim.

Làng Lệ Sơn có lịch sử hơn 500 năm

Tại trung tâm thành phố Đồng Hới bạn có thể thuê xe máy, có điều kiện hơn thì thuê ô tô 4 chỗ, đông người thì thuê xe 7 chỗ Đồng Hới để đi. Chạy theo quốc lộ 1A đến thị xã Ba Đồn, sau đó theo đường QL12A chạy lên phía tây cỡ 30 km là đến xã Cảnh Hóa, nhìn sang bên kia sông Gianh, bạn sẽ nhìn thấy một vùng sông núi hùng vĩ, phong cảnh hữu tình. Nơi đấy chính là làng Lệ Sơn nay là xã Văn Hóa – Huyện Tuyên Hóa – Quảng Bình

Lệ Sơn như một bức tranh thuỷ mặc

Lệ Sơn có địa hình dựa lưng vào 99 đỉnh núi, tương truyền rằng ngày xưa, có một đàn chim phượng hoàng 100 con bay đi tìm đất lập kinh đô nước Việt, khi bay ngang qua vùng này thấy phong cảnh hữu tình nên đã hạ cánh đậu trên 99 đỉnh núi ở Lệ Sơn. Vì thiếu một chỗ đậu cuối cùng cho con phượng hoàng đầu đàn nên đàn chim đã bay đi nơi khác, Lệ Sơn đã không có cơ hội trở thành kinh đô nước Việt là như vậy…

Lệ Sơn gắn với truyền thuyết đàn chim phượng hoàng tìm đất lập kinh đô nước Việt xưa

Vua Hàm Nghi cũng từng chọn Lệ Sơn làm nơi nghỉ chân trên đường chạy ra Hà Tĩnh để trốn giặc Pháp truy đuổi. Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, quân đội ta đã chọn 99 ngọn núi chạy dọc làng làm căn cứ cách mạng.Những đỉnh Thanh Tuyền, Vũ Tọa, Thi Đầu, Họa Các, Bài Phong… ngày xưa được dân làng làm vọng gác đánh tàu chiến của Pháp từ Ba Đồn lên càn quét. Hang Lụy, hang Ong là căn cứ của Quân y 108 – nơi chữa bệnh, an dưỡng cho bộ đội trước khi quay lại chiến đấu.

99 ngọn núi không chỉ che chở cho bộ đội và người dân những năm chống giặc ngoại xâm mà theo ông Nguyễn Văn Huyền, một người dân trong làng, đây còn là nơi tránh lũ. Bao năm qua, Lệ Sơn không phải chịu sự tàn phá của bão lũ cũng như cái nắng, cái gió gay gắt của miền Trung.

Mặt trước làng Lệ Sơn là dòng sông Gianh thơ mộng

Thiên nhiên đã ưu ái cho Lệ Sơn một địa thế sông núi thật kỳ vĩ. Những người già ở Lệ Sơn còn kể lại: ngày xưa, có một thầy địa lý đi qua vùng Lệ Sơn, khi quan sát địa thế, sông núi… đã cho rằng đây là vùng đất có long mạch: đầu rồng nằm ở Lệ Sơn, còn đuôi rồng ở La Hà (Quảng Văn, Quảng Trạch)… Vì vậy trong lịch sử từ khi làng Lệ Sơn chính thức thành lập cho đến nay, nơi đây đã sinh ra rất nhiều người tài giỏi học rộng, đỗ đạt. 

Lệ Sơn nổi tiếng với truyền thống khoa bảng

Làng Lệ Sơn xưa được xếp vào “Bát danh hương” không chỉ bởi sông núi kỳ tú, mỹ lệ, giàu truyền thống khoa cử mà còn bởi có nhiều nam thanh nữ tú, đất đai phì nhiêu, màu mỡ và nguồn sản vật dồi dào. 

Đình làng Lệ Sơn

Hơn thế nữa, Lệ Sơn còn là một trong những làng quê có hệ thống các di tích văn hóa vật thể phong phú, có giá trị về kiến trúc và mỹ thuật, lại có những phong tục, tập quán, tín ngưỡng cũng như đức tính cần cù, hiếu nghĩa, coi trọng đạo lý, tôn vinh cái đẹp của các thế hệ người dân ở vùng đất này. 

Người dân Lệ Sơn cần cù, mến khách

Lệ Sơn còn là nơi hội tụ và lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa tinh thần độc đáo và thuần mĩ với những câu ca dao, điệu hò, hay câu chuyện tiếu lâm, rồi cả những lễ hội dân gian làm say đắm lòng người.

Nguồn: phongnhaexplorer.com

Để lại một bình luận