Bài viết lấy từ nguồn khác

Rú Cấm làng Thọ Linh có phải từ Lệ Sơn?

Được đăng bởi Người Lệ Sơn

Trong lần gặp nhau mới đây tại Hà Nội, 4 người đồng hương thị xã Ba Đồn (tỉnh Quảng Bình) chúng tôi cùng nhắc đến làng Thọ Linh, xã Quảng Sơn, nơi có ngôi trường tiểu học năm nay tròn 100 năm.

Anh Hoàng Chương quê xã Quảng Minh giáp với xã Quảng Sơn – nói, theo huyền thoại mà anh nghe ông nội anh kể, rú Cấm làng Thọ Linh dường như có liên quan với 99 ngọn núi ở làng Lệ Sơn (xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa).

Câu chuyện kỳ lạ này được gắn với Cao Biền – người có tài trấn yểm được Vua nhà Đường cử sang làm Tiết độ sứ quận Giao Châu (nước Việt Nam thời đó).

Rú Cấm làng Thọ Linh nằm ở bờ nam rào Nan từ lâu đời là một khu rừng cây cối um tùm, rậm rạp đủ loại lim, sến, dẻ, sồi…

Dưới các tán cây cạnh bờ rào Nan có một ngôi miếu thờ vị thần linh thiêng gọi là miếu thờ Thần Cụt.

Người dân trong làng kể, ngày xưa khi chèo đò qua quãng sông trước rú Cấm, ai nấy đều phải cúi mặt, không ai dám nhìn vào rú này.

Bởi sự linh thiêng của rú Cấm nên không ai dám vào đây chặt cây. Cách đây không lâu, có người ngang qua bắt được con rắn hổ đem đi chợ bán, sau khi biết được đó là rắn ở rú Cấm, người mua đã vội vả mang rắn trả lại khu rừng này.

Nhiều thế hệ người dân xã Quảng Sơn vẫn nhớ đến sự tích Thần Cụt được thờ tại miếu thờ thần ở rú Cấm.

Lúc còn sống, cố nhà báo, nhà thơ Phan Văn Khuyến – nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Dân (tỉnh Bình Trị Thiên cũ), nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Bình – kể về sự tích này như sau:

Ngày xưa, có hai vợ chồng ở xã Cảnh Hóa chèo thuyền theo sông Gianh, rồi ngược rào Nan lên vùng này định cư bằng nghề chài lưới.

Khi thuyền hư, lưới thủng, họ đành lên bờ làm thuê khai phá ruộng đất, cày cấy. Nhờ ăn ở phúc hậu nên dân làng thương mến, Trời Phật cũng động lòng.

Sau nhiều lần đi cầu khấn ở các chốn linh thiêng, bà vợ ứng mộng và thụ thai sinh được cái trứng nở ra con rắn miệng có ria, mình có 4 chân rồng, như con linh vật trang trí trên các nóc đình, chùa.

Bà vợ chăm sóc rắn như chăm con. Tối đến, rắn leo lên nằm giữa hai vợ chồng.

Một hôm, người chồng vác cuốc ra bàu Truông đắp lỗ mội quanh bờ ruộng. Rắn dùng đuôi ngoáy để xem chỗ nào nước rò rỉ thì báo, không may một lần vô ý người chồng chắn phải đuôi rắn.

Rắn quằn quại đau đớn rồi lội qua sông nằm chết trên tảng đá Cha Ngai. Nhiều người đi đánh cá hay hái củi chèo thuyền qua thấy xác con rắn liền lấy sào đẩy xuống sông, nhưng hôm sau lại thấy rắn nằm chỗ cũ.

Dân làng cho là hiện tượng thần linh hay ma quái.

Hai vợ chồng thương xót được rắn báo mộng: “Ta là con Vua Thủy Tề ở vực Chợ Tràng (Tiên Lang) thấy hai vợ chồng nhà ngươi nghèo khó nhưng nhân nghĩa nên đầu thai để giúp đỡ. Nay vì số phận, ta không ở lại được phải về âm cung. Khi nhà ngươi và dân làng cần thì ta sẽ giúp”.

Biết chuyện, dân làng tổ chức chôn cất rắn cẩn thận và lập miếu thờ Thần Cụt dưới chân rú Cấm.

Từ đó, cứ năm nào hạn hán, dân làng Thọ Linh và các xã trong vùng, có khi có cả Tri phủ Quảng Trạch lại tổ chức đi đò sang miếu Thần Cụt ở rú Cấm để làm lễ cầu mưa.

Tuần phủ Quảng Bình có lần đã ra dự và cúng lá cờ thêu dòng chữ “Hiển tử Long Vương”.

Lạ thay, cứ sau mỗi lần tế lễ ở miếu Thần Cụt là trong vùng lại có mưa.

Nhắc tới huyền thoại rú Cấm làng Thọ Linh có liên quan với 99 ngọn núi làng Lệ Sơn, anh Hoàng Chương nói, từ nhỏ anh đã nghe câu chuyện này do chính ông nội anh là ông Hoàng Lung (sinh năm 1888, làm lính trong cung triều Nguyễn thời cuối Thành Thái) kể lại.

Chuyện kể rằng, đời nhà Đường có viên quan Cao Biền rất giỏi về địa lý phong thủy và thuật trấn yểm, được Vua nhà Đường cử sang làm Tiết độ sứ cai quản nước ta.

Tương truyền, Cao Biền cưỡi diều giấy bay đến nhiều nơi để yểm bùa những vùng đất có sinh khí không cho người dân nơi đây nổi dậy chống ách đô hộ của nhà Đường.

Vừa yểm bùa, Cao Biền còn đi mọi nơi thu vét vàng bạc, sản vật quý ở các địa phương gửi về thượng quốc và làm giàu cho gia đình.

Trong một lần đi tìm để trấn yểm huyệt đạo, Cao Biền cưỡi diều giấy đi qua Hoành Sơn (Đèo Ngang) phát hiện dòng Linh Giang (sông Gianh) đầy vượng khí đế vương.

Đặc biệt, Cao Biền đã nhìn thấy thế đất “long ẩn trấn sơn, phượng hoàng ẩm thủy”.

Thế đất đó là một con rồng mà đầu ở làng Lệ Sơn, đuôi ở làng La Hà. Đầu rồng là một quả núi lớn với nhiều dãy núi uốn lượn theo nếp được cho là râu rồng vô cùng kỳ vĩ.

Trên các nếp ấy có 100 quả núi đá như 100 viên ngọc xanh biếc. Núi sông rồng lượn bên dòng Linh Giang đúng là nơi dùng làm kinh kỳ đô hội.

Thấy thế, Cao Biền dùng phép trấn yểm nhấc một quả núi đá ở Lệ Sơn đem về giấu ở làng Thọ Linh, đó chính là hòn rú Cấm.

Sau đó, Cao Biền dùng dao trấn chặt một nhát ở đuôi rồng để cắt đứt long mạch.

Nhát chặt tạo thành con hói La Hà, phần đuôi rồng rời khỏi thân nay là làng La Hà và Văn Phú (thuộc xã Quảng Văn, thị xã Ba Đồn).

Đúng như Cao Biền tiên đoán, sau đó một thời gian có 100 con chim phượng hoàng bay về vùng đất Lệ Sơn chỉ điểm cho nhà vua chọn nơi lập đế đô.

Đàn phượng hoàng nhìn thấy cảnh non xanh nước biếc tựa như tiên cảnh đã hạ cánh đỗ xuống nơi đây.

Đáng tiếc, trong 100 quả núi ở Lệ Sơn thì có 1 quả núi đã bị Cao Biền dùng phép trấn yểm nhấc về giấu ở làng Thọ Linh nên một con phượng hoàng không có nơi đỗ.

Loay hoay một hồi, đàn chim phượng hoàng đành bay đi để lại sự tiếc nuối cho dân chúng trong vùng.

Cho dù câu chuyện trên đây là huyền thoại (theo Từ điển tiếng Việt có nghĩa là câu chuyện không có thật, mang vẻ thần bí, hoàn toàn do tưởng tượng của con người), nhưng vùng đất này vẫn còn đó những chóp núi ở Lệ Sơn, rú Cấm ở Thọ Linh và con hói ở La Hà.

Vùng đất các xã Văn Hóa, Quảng Trung, Quảng Sơn, Quảng Tiên, Quảng Hòa, Quảng Văn… trên “con rồng thiêng” ấy vẫn luôn sản sinh nhiều nhà lãnh đạo, các danh tướng, nhà tri thức nổi tiếng cho nước nhà như cố Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên – nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ); Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Trung tướng, nguyên Phó Đô đốc, Tư lệnh Hải quân Mai Xuân Vĩnh; các GS Trần Đình Gián, Lương Duy Trung, Lương Duy Thứ…

Ông Võ Ngọc Điều – Trưởng ban liên lạc đồng hương xã Quảng Sơn tại TP. Hồ Chí Minh kể, khi Vua Hàm Nghi đi lánh nạn qua Tuyên Hóa (Quảng Bình), biết ở làng Thọ Linh có miếu thiêng, nhà vua đã cho bầy tôi (do lãnh binh Mai Lượng – người làng Thọ Linh – cầm đầu) về thắp hương, khấn vái để cầu an, mong vượt qua hoạn nạn.

Liên quan đến Cao Biền với làng Thọ Linh, cố Mai Duy Tường – tác giả cuốn “Địa chí làng Thọ Linh” (Nhà Xuất bản Thuận Hóa, năm 2010) đã viết: “Cao Biền bắt dân lập các đền miếu thờ quan tướng Trung Quốc như đền Khổng Tử, đền Ngụy Trung Đại Tướng, đền Cao Các Mạc Sơn, đền Đại Càn, Công chúa Từ Vị… ở dưới chân Động Ngùi về phía Đông Nam”.

LỆ SƠN

Mặt nhìn ra sông, lưng tựa vào núi

Bồng lai tiên cảnh sông suối thác lèn

Ngồi giữa sân vườn ta nghe chim hót:

“Tìm đất đế đô vua ghé thăm làng…”

Một trăm chim thiêng phượng hoàng bay tới

Sao làng chỉ có chín chín núi thôi

Trời cao thương làng cớ sao còn tiếc

Không giúp làng thêm một núi đá vôi?

Không là đế đô cũng làng văn vật

Trai gái thông minh học rộng tài cao

Từ thuở ấu thơ bồng bềnh nôi võng

Thấm lời mẹ ru thương phận nàng Kiều…

Không như là vua ghé làng thuở ấy

Ta cùng anh em vui chén rượu nồng

Chắt chắt Lệ Sơn thơm từng thìa cháo

Tình người Lệ Sơn ăm ắp sông Gianh…

Đinh Xuân Trường

(Bài đăng trên báo Lao Động cuối tuần)

Để lại một bình luận