Bài viết lấy từ nguồn khác

Chùa Vĩnh Phúc

Được đăng bởi Người Lệ Sơn

Trong lịch sử kiến thiết quốc gia của các triều đại phong kiến Việt Nam đã hình thành quan niệm “đất vua, chùa làng, phong cảnh bụt”. Chính ba thành tố này góp phần hình thành cội nguồn sức mạnh để bảo vệ chủ quyền đất nước, đạo pháp và bản sắc văn hóa dân tộc. Làng Lệ Sơn xưa, nay là xã Văn Hóa (Tuyên Hóa) cũng vậy. Trong đó, chùa Vĩnh Phúc là một trong những di tích gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của làng. Chùa Vĩnh Phúc được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ XVIII. Chùa dựng trên một khu đất cao ráo nằm ở phía tây thôn Phúc Tự, với diện tích 4 sào 6 thước[1]. Cổng chùa quay về hướng tây, lấy lèn Bảng (Tiến Hóa, Tuyên Hóa) làm tiền án. Ngôi chùa cũ hiện không còn nhưng trong ký ức của những người con của làng Lệ Sơn như ông Lương Duy Niệm, ông Trần Xuân Quế, thì chùa được thiết kế theo lối kiến trúc đơn giản, mang đậm chất dân gian và hòa mình vào khung cảnh làng mạc.

Cổng chùa Vĩnh Phúc sau khi được phục dựng.Cổng chùa Vĩnh Phúc sau khi được phục dựng.

Cổng chùa được thiết kế theo mô típ cổng tam quan. Giữa cổng chùa treo chuông đồng, hai bên cổng có hai trụ lớn được khoét lỗ để đặt hai cái dùi chuông; sãi chùa thường trèo lên một trong hai trụ cổng đó để đánh chuông bằng cách luồn tay qua lỗ chứa dùi rồi thúc dùi vào chuông. Hai bên cổng có tượng hai võ tướng, một người cầm kiếm, một người cầm đao, trang phục của võ quan ngày xưa với áo giáp, mũ, cân đai, trông rất oai phong lẫm liệt. Chùa xây dựng theo kiến trúc phổ biến của chùa Việt thế kỷ XVIII; thiết kế theo kiểu chữ đinh, tiền điện, hậu tẩm nối liền nhau. Mái chùa xây theo kiểu uốn vòm, cong ra 4 góc, vật liệu chính là vôi vữa. Mái trước và hai đầu hồi có cột, kèo và xà bằng gỗ; mái sau là tường đá thay kèo và đỡ xà ngang. Trong chùa, có 36 bức tượng, tượng Thích Ca Mâu Ni được đặt ở vị trí cao nhất của trung tâm điện thờ, tay chỉ xuống. Phía dưới là tượng 35 đồ đệ của đức Phật với hình dáng khác nhau. Có tượng Phật người ốm teo, có tượng Phật quần áo rách rưới như phận người gieo neo giữa cuộc đời. Chùa Vĩnh Phúc không rõ được xây dựng từ năm nào nhưng lần trùng tu rõ nhất được chú đúc vào năm 1753 trên chuông. Ông Trần Quốc Vượng là người khai khoa đầu tiên của làng (đỗ cống sỹ khoa Cảnh Hưng nguyên niên-1740) đã đứng ra vận động dân làng quyên góp tiền bạc để đúc chuông. Ban đầu, chùa không có trụ trì nhưng dân làng giao cho sãi chùa chăm lo quét dọn, hương khói hàng ngày, các ngày rằm, lễ Phật đản hay các ngày lễ trọng. 

Đại hồng chung chùa Vĩnh Phúc.Đại hồng chung chùa Vĩnh Phúc.

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chùa được tháo dỡ một phần đề phòng việc giặc chiếm làm đồn bốt. Năm 1966, khi hai chiếc tàu chiến của Hải quân giấu ở Hói Cầu bị máy bay trinh sát của Mỹ phát hiện, chúng tập trung bom đạn đánh phá cả ngày lẫn đêm suốt một tuần liền. Trong số bom đạn mà máy bay Mỹ đánh phá có quả rơi trúng phần còn lại khiến chùa đã bị san phẳng. Một trong những cổ vật vô giá và cũng là bảo vật của làng Lệ Sơn chính là chuông chùa. Chuông được đúc bằng chất liệu đồng thau. Trên vai chuông đắp nổi hai câu “Tứ thời Vĩnh Phúc tự chung” và “Thiên tử vạn niên hoa phong tạm chúc”. Niên hiệu đúc chuông là “Cảnh Hưng thập tứ niên thất nguyệt”, tức là tháng 7, năm Cảnh Hưng thứ 14 (1753). Chuông cao 114,5cm, đường kính miệng chuông 52cm, nặng khoảng 130kg. Quai chuông là hình đôi rồng uốn mình xoắn vào nhau rất đẹp và chắc chắn. Tiếng chuông kêu rất thanh, ngân dài, vang xa. Trên thân chuông khắc bài minh bằng chữ Hán Nôm, trong đó ghi cố Trần Quốc Vượng là người đứng ra vận động dân làng quyên góp tiền bạc cho việc đúc chuông. “Sau đó, vào ngày lành tháng tốt năm Đinh Mão (1767), nhân dân trong xã lại tiếp tục đóng góp công đức tái tạo lại chuông chùa”[2]. Minh chuông thống kê danh sách những người thiện tín đóng góp công đức vào việc đúc chuông, gồm đủ các thành phần như: Quan lại, binh lính, sắc mục, phật tử… của các xã, phường, thôn thuộc nhiều tổng, huyện như: Phường Lộc Điền Thượng, Lộc Điền Hạ, nay là xã Quảng Thanh, xã Cảnh Dương (Quảng Trạch), xã Lệ Sơn Thượng, xã Lệ Sơn Hạ, nay là xã Văn Hóa (Tuyên Hóa)… Từ thống kê địa danh của nhân dân các địa phương đóng góp tiền của để đúc chuông, cho thấy tại thời điểm lúc bấy giờ, chùa Vĩnh Phúc có vị trí và tầm ảnh hưởng khá rộng, không chỉ bó hẹp trong phạm vi làng Lệ Sơn mà còn mở rộng ra các vùng lân cận. Qua khảo sát của các nhà khoa học, chuông chùa Vĩnh Phúc là đại hồng chung có lịch sử lâu đời nhất còn sót lại của lưu vực sông Gianh. Tiếp đó là chuông chùa Lý Hòa, Phú Trạch (Bố Trạch) chú đúc năm Gia Long thứ 10 (1811), chuông chùa An Quốc, thôn Xuân Mai, Mai Hóa (Tuyên Hóa) chú đúc năm Khải Định thứ 7 (1922) và chuông chùa Vinh Quang, hiện đang lưu giữ tại chùa Quan Âm, Đức Trạch (Bố Trạch) được chú đúc năm Kỷ Mão (1939). Trong những năm tháng Lệ Sơn rào làng chống thực dân Pháp, chuông chùa được dân quân thả xuống giấu dưới giếng chùa đề phòng địch càn vào làng có thể cướp mất, nhờ đó chuông còn giữ được đến nay. Chùa Vĩnh Phúc vẫn còn một số hiện vật chứa đựng những giá trị nghệ thuật đặc sắc khác như: Đỉnh hương được tạc bằng đá sa thạch xanh xám với kỹ thuật chạm, đẽo cầu kỳ. Hoa văn trang trí trên đỉnh hương thể hiện văn hóa tín ngưỡng dân gian; lân, ly, quy, phụng và hoa sen, biểu tượng của Phật giáo. Ngoài ra, còn có bệ sen lục giác bằng gỗ mít, tượng Thánh hiền thế kỷ XVIII. Đây là những hiện vật ít ỏi còn sót lại của chùa Vĩnh Phúc qua khói lửa bao cuộc chiến chinh. Một trong những kiến trúc kết nối hình thành nên không gian thuần chất chùa Việt của chùa Vĩnh Phúc là giếng Chùa. Giếng Chùa nằm phía trước cách cổng chùa khoảng 6m và hơi lệch về phía tây nam, sát hói Hà Thâu. Giếng được ghép đá từ dưới đáy lên tới mặt đất. Thành giếng xây cao hơi mặt đất chừng 0,5m. Giếng Chùa có độ sâu khoảng 4m nhưng mạch nước ngầm phun trào khá mạnh. Nguồn nước trong giếng trong veo, ngọt và mát lạnh. Giếng Chùa là nguồn nước hàng ngày các gia đình ở thôn Phúc Tự, cả xóm Trong và xóm Ngoài gánh về phục vụ sinh hoạt. Những đêm trăng sáng, giếng Chùa trở thành nơi giao lưu, gặp gỡ của dân làng, nơi trẻ nhỏ vui đùa… Giếng Chùa gắn bó máu thịt và đi vào ký ức tuổi thơ của biết bao thế hệ con em làng Lệ Sơn.“Nước giếng Chùa vừa trong, vừa mát/Đường xóm Ngoài lắm cát dễ đi”. Trong thời kỳ không quân Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc, nhiều di tích lịch sử, văn hóa của làng, trong đó có chùa và giếng Chùa bị tàn phá. Sau nhiều năm trầm mặc cùng thời gian, năm 2016, đại hồng chung chùa Vĩnh Phúc lại được ngân vang khi chùa được phụng dựng trên nền đất cũ. Chùa Vĩnh Phúc là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của các tăng ni, phật tử và nhân dân. Đặc biệt, đây là nơi chi bộ Đảng, tổ chức tiền thân của Đảng bộ xã Văn Hóa, Ủy ban Cách mạng lâm thời và Ban vận động thành lập Mặt trận Việt Minh xã Lệ Sơn làm việc trong thời gian đầu sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công. Đây cũng là trường học của nhiều thế hệ học sinh trong kháng chiến chống Mỹ và sau hòa bình lập lại… 
Trọng Đại – Hữu Danh[1] Địa bạ Lệ Sơn thượng xã, Trung tâm lưu trữ quốc gia I, bản dịch Trần Đại Vinh, tháng 9-2013.[2] Vũ Vinh Quang, Đại hồng chung hiện còn lưu giữ trong các ngôi chùa tại Bố Trạch và Tuyên Hóa, Tạp chí Liễu quán, số 1-2016, tr87.
Chùa Vĩnh Phúc – Báo Quảng Bình điện tử (baoquangbinh.vn)

Để lại một bình luận