Mặt ngoảnh ra bờ sông, lưng tựa vào lèn đá của dãy 99 ngọn núi hùng vĩ, làng Lệ Sơn không những có vẻ đẹp sơn thủy hữu tình mà còn là một địa danh giàu truyền thống cách mạng.
Lệ Sơn thuộc xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình, hàng trăm năm nay được xếp vào hàng đầu trong “Bát danh hương” của đất Quảng là: Sơn, Hà, Cảnh, Thổ, Văn, Võ, Cổ, Kim. Trong những ngày chống thực dân Pháp xâm lược, nhân dân ở đây đã “Rào làng chiến đấu”, làm cho kẻ thù không vào càn quét được và chúng còn nhiều lần bị thiêu cháy trên dòng sông Gianh lịch sử.
Ông Nguyễn Hợi và Nguyễn Bưu, chiến sĩ du kích Lệ Sơn (Quảng Bình).
Những chiến sĩ du kích ngày ấy như ông Nguyễn Hợi, Nguyễn Bưu và các đồng đội đã làm nên chiến công nổi tiếng, thường kể lại cho con cháu nghe những trận đánh đáng nhớ mà họ đã tham gia. Ông Nguyễn Hợi năm nay đã 86 tuổi nhưng khi gặp tôi cứ ngỡ ông đang ở tuổi bảy mươi. Tóc hoa râm, dáng nhanh nhẹn, chân tay khỏe mạnh như lão nông tri điền, ông dừng tay uốn cành mai vàng, vừa rót nước chè xanh vừa chia sẻ niềm vui:
- Điều phấn khởi nhất của mình năm nay là được tặng Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, đúng dịp kỷ niệm 60 năm đội du kích Lệ Sơn đánh trận đầu thắng Pháp. Đã hơn nửa thế kỷ mà chuyện tưởng như mới ngày hôm qua…
Ông Nguyễn Hợi vào đội du kích năm 1945. Hồi đó, làng Lệ Sơn như một ốc đảo nhỏ được bao quanh bởi lũy tre rậm rạp ken dày thành hàng rào bảo vệ kiên cố. Dù ở đâu đó trong tỉnh còn nhiều đồn bốt giặc nhưng ở đây, Lệ Sơn như là một “Pháo đài xanh” bất khả xâm phạm. Từ đầu đến cuối làng đều có chòi quan sát, hệ thống báo động và công sự ngang dọc bao quanh. Lực lượng dân quân, du kích canh trực ngày đêm, sẵn sàng đánh trả quyết liệt khi giặc tới.
Đầu năm 1948, tổ du kích của ông Hợi được giao nhiệm vụ phục kích ngay ga Lệ Sơn, nơi giặc Pháp thường làm địa điểm tập kết để làm bàn đạp tấn công vào làng. Hôm ấy mưa xuân vừa mới tạnh, nắng đang hửng lên khỏi ngọn tre làng thì một trung đội lính Pháp chạy ca-nô từ hạ nguồn sông Gianh cập bến đường tàu. Nhận được tin mật báo từ hôm trước, nên khi trời chưa sáng, tổ du kích gồm các ông: Nguyễn Hợi, Lương Kim Bôi và Nguyễn Bưu phục kích cách đường tàu vài chục mét, gài mìn chờ sẵn. Bọn địch có hơn 20 tên lính Âu Phi và tề ngụy, mặt đỏ phừng như gà chọi, lăm lăm súng ống băng qua đường tàu để vào làng. Bình tĩnh đợi đến khi đội hình giặc lọt vào ổ phục kích, ông Hợi giật mìn. Một tiếng nổ vang trời cùng 3 quả lựu đạn vụt tới, toán lính Pháp bị khói lửa bao trùm, 5 tên chết tại chỗ, 8 tên khác bị thương. Số còn lại hốt hoảng bỏ chạy không kịp khiêng đồng bọn.
Chiến công của đội du kích Lệ Sơn làm nức lòng nhân dân trong xã và lan truyền khắp tỉnh. Nhân dân mổ bò ăn mừng chiến công, tiếp tục củng cố công sự. Toàn đội du kích được biểu dương thành tích, kèm theo phần thưởng là mỗi người hai quả lựu đạn do công binh xưởng Quảng Bình sản xuất. Riêng ông Hợi là trung đội phó, người trực tiếp giật mìn tiêu diệt địch, vinh dự được kết nạp Đảng.
Vợ ông Hợi là bà Trần Thị Điểm, một thôn nữ xinh đẹp, hồi còn trẻ cũng là chiến sĩ du kích Lệ Sơn. Tuy cùng làng nhưng ông ở “tuyến tấn công”, còn bà ở đội hình “phòng ngự”. Tuyến phòng ngự thường có vũ khí thô sơ, chủ yếu là mã tấu và hầm chông nên quả lựu đạn là niềm mơ ước của nhiều chị em du kích. Ông Hợi biết “nàng” rất thích hai quả lựu đạn được thưởng, nên đã xin phép cấp trên tặng cho “đồng chí vợ” cả hai quả và hướng dẫn tỉ mỉ cách sử dụng, còn ông thì dùng lựu đạn chiến lợi phẩm, lấy vũ khí địch để diệt địch. Cô du kích quý hai quả lựu đạn như vàng, giữ cẩn thận đến trận càn cuối năm 1948 thì được sử dụng tiêu diệt tại chỗ hai tên lính Pháp.
Đầu năm 1949, ông Hợi cùng một số chiến sĩ du kích xuất sắc đã thỏa niềm mơ ước là được tuyển vào bộ đội chủ lực. Làm anh lính bộ binh ở Trung đoàn 18 rồi chuyển qua Trung đoàn 95 (Sư đoàn 325). Trong chiến dịch Đông Xuân 1953-1954, ông bị thương và được ra quân. Ông trở về Lệ Sơn tham gia quân sự địa phương, làm xã đội trưởng, trực tiếp chỉ huy khẩu đội súng 12,7mm, phối hợp với bộ đội Hải quân sông Gianh bắn rơi tại chỗ một máy bay Mỹ năm 1965.
Bài và ảnh: XUÂN VUI
Đăng ngày 12.03.2009 20:58