Bài viết Cảm xúc - Kỷ niệm về Lệ Sơn

MÙA HOA SẠU – Phần II -Tác giả: Lai Văn Thế

Được đăng bởi Người Lệ Sơn

Phần 2

Đứng trên đàng tàu, bác Đái Lủ dừng lại, ngó quanh một vòng bao quát từ Cồn Én sang Đọt Sác, bụng bảo dạ: vắng thiệt. Chưa trưa hẳn mà đồng làng vắng ngắt ngơ. Mấy bữa ni tivi đang chiếu phim  “người giàu cũng khóc” nên bà con về xem hết. “Khiếp, cái con Ét- Te đẹp thế mà ác! Còn Ma- Ri- An- Na thật biết cách khiến người ta phải khóc!” Chợt nghĩ, bác Đái Lũ lại mường tượng ra cảnh Ét- Te hôn Hoan – Các- Lốt. “chà, cái con thật đáo để, lúc nào cũng mặc đồ trắng mỏng tanh!”. Bác Đái Lủ nở một nụ cười móm mém.

Nhìn chung, Bác Đái không khác chi mấy đối với mọi cụ ông hưu trí giữa làng này. Cũng dáng thanh mảnh hao gầy, mắn nhìn điềm đạm vui tính, có khi lại hay giật giật, nheo nheo. Bác chỉ khác với cái tuổi 70 của mình ở chỗ tấm lưng hãy còn thẳng thắn, bước đi hoạt bát, phong độ lắm. Vốn tính dản dị, Bác Đái thường lĩnh cái quần màu mạ úa (sắc phục của ngành Công an, do anh cặc Tú- con thứ 4 của Bác làm trên huyện về cho), cùng với chiếc áo sơ mi vải lụa có kẻ sọc, khi đi lại, nhìn Bác thêm vẻ thướt tha, uyển chuyển. Các bác nông dân giữa làng thường thì chân đất, quần đùi nu. Nhưng đã nhiều năm lắm rồi, người ta thấy Bác Đái lúc nào cũng đi đôi dép Tiền Phong có quai hậu, nom rất chỉnh tề. Bác nghỉ hưu đã mười lăm năm, nghỉ hưu non. Vì thời ấy lương giáo viên còn thấp lắm, mà phải đạp xe lên tới miệt Kim Lũ thì chẳng bỏ công. Hơn nữa, gia cảnh Bác Đái cũng khá,  là nhờ vào sự tháo vát, lanh lợi của bác gái. Nên Bác Đái chặc lưỡi: Thôi nghỉ sớm về đuổi gà cho vợ cũng đành. Thực ra sức Bác Đái còn tốt chán. Ngoài năm chục tuổi, đàn ông giữa làng Lệ Sơn này chỉ ước có nhiều đất mà cày. Ngày mới hồi hưu, Bác Đái cũng bỏm bẻm ra đồng. Cày trở trất tỉa độ trên đồng Họ Nguyễn với con bò mạ sệ thì đường cày còn thẳng lối; chứ Bác Đái mà cày bửa côộc toóc đất Đồng Mua thì ai nấy lăn ngả ra mà cười. Con trâu đực  thay tư nó coi Bác Đái như cọng rơm. Vốn cưng chồng, bác gái phán một câu rất mực dấu yêu: “từ ni ở dà lo cơm nác!”. “Lo cơm nác” trở thành phiên hiệu mới, gắn với phần đời còn lại của anh giáo dạy văn trường Kim Lũ sớm hồi hưu. Người lớn tuổi ở làng rất nể trọng Bác Đái. Hội hè đình đám, bác được ngồi chỗ có uy, và được gọi bằng cái tên thân mật: Thầy Đái. Bọn trẻ chưa học thầy ngày nào, nên so tuổi mà gọi riết thành quen: Bác Đái. Nguyễn Quốc Lũ là tên cúng cơm, ít người gọi đến. Vốn rất mực cẩn trọng, Bác Đái lo vụ “cơm nác” chu đáo lắm, nên bác gái lúc nào cũng thấy vui tươi, nhỗ toẹt bãi nước trầu, bác gái cười toe toét: “anh Đái nhà tui là… nhất nác”! Nhiều mụ đàn bà giữa làng ghen với các Bế (tên bác gái, ở làng , bác gái cũng được gọi là Ả Đái), vì so ra, đàn ông làng ta thường tuềnh toàng, ít ai mà bù lại Bác Đái. Mà quả thật, vào nhà Bác Đái, không ai nghĩ đó là gia cảnh nhà nông Lệ Sơn. Nhà cửa lúc nào cũng tươm tất, thơm tho, góc nào ra góc nấy. Bác Đái lại khéo tay, hay làm. Ngoài vụ “cơm nác”, bác còn tranh thủ chẻ tre đan lát, tự làm lấy công cụ nhà nông, còn có cả đồ đẹp bán cho hàng xóm. Thế nên, từ ngày Bác Đái nghỉ hưu, thì gia đình  như có thêm sinh khí. Sáu bảy đứa con nhà Bác ai cũng giỏi dang, lao động chăm chỉ, và sớm trưởng thành. Khi lương cán bộ hưu trí được nâng lên, cũng là lúc đàn con bác phần lớn đã lập nghiệp, cảnh nhà từ chỗ đầm ấm, no đủ, lại càng ra điều giàu có, thanh tao. Bác Bế trả bớt ruộng cho xã, trâu bò cũng nghỉ nuôi. Bác Bế bảo: bấy lâu ông Đái lo chăm vợ, thì từ ni để vợ nâng khăn sửa túi cho công bằng! Nghe mà sướng đến mê li. Nhưng vốn tính bác Bế xuề xoà, cả nói, nên rất ồn ào náo nhiệt, ngược với tính Bác Đái. Bác Bế lại hay trầu, luôn mồn nói, luôn mồm nhổ và hay cười ha hả, nhất là những lúc xem truyền hình thấy tụi trẻ ôm nhau…, đôi khi Bác Đái thiếu hài lòng. Người ta thấy Bác Đái thành ra hay lẫn thẩn ra Cồn Trôi, có khi đi qua cả Đồng Hồ, trong những chiều gió mát. Họ nghĩ, Bác Đái chắc là đi dưỡng sinh. Nhưng có lẽ Bác Đái cảm thấy ngột ngạt trong ngôi nhà ồn ào mà trống vắng. Dĩ nhiên không có sự xích mích, cãi cọ gì, và chính bác Bế cũng thấy hài lòng về việc bác Đái thỉnh thoảng đi đâu đó một lát, vì rằng, như vậy thì bác Bế thoải mái hơn khi không phải để ý đến bác Đái trước lúc nhổ toẹt cái bã trầu ra sát cửa ngách bên hông nhà. Và hẵn nhiên, Bác Bế không phản đối khi bác Đái đăng ký làm bảo vệ đồng cho HTX. Hai Bác thống nhất trả lời với bà con: “Rảnh rang không làm gì, đi lại cho khuây, chứ cái vụ công phạn nào có đáng chi!”. Rồi Bác Đái tìm cái rạ tuyển, cái rạ đã gắn với Bác gần 20 năm đan lát, có lẽ còn hơn, nên nó mòn vẹt và nhẹ tênh, để làm hành trang đi bảo vệ. Bác thường xách rạ bằng tay trái, tay phải thỉnh thoảng vê vê dưới cằm, mắt nheo nheo, giật giật, gặp ai bác cũng gật một cái, cười một cái ý nhị, ngoài cánh đồng làng thương yêu thường rất vắng người.

Và trưa nay, Bác Đái lẫn thẩn trên đàng tàu là bác đang đi tuần. Đi tuần là để bắt mấy đứa đắc bò ăn kẹ, mấy thằng ranh trộm sạu non bồi dưỡng cho bò. Nhưng thứ ấy bây giờ ít lắm. Nên việc đi tuần của Bác Đái, như người ta đi hít khí lành thì đúng hơn.

Trụt khỏi đàng tàu, Bác Đái bước xuống đầu Cồn Họ Lê, giáp với Nương Cau, men theo mấy cây chùm bỏi sát nương Mệ Đái Hương, đi lên phía Đồng Chăm. Vượt qua hai đám khoai lang mới bới, cọng vấn ngổn ngang, là Bác Đái đã bước vào đám Sạu đầu tiên, không còn thấy dạng…

Còn tiếp…

Để lại một bình luận