Bài viết Bài viết lấy từ nguồn khác Videoclips

Sông Gianh mùa Chắt Chắt

Không phải khúc sông Gianh nào cũng có Chắt Chắt, chỉ có đoạn sông qua xã Phù Hoá là có Chắt Chắt. Hàng bao đời nay, với những người dân nghèo Phù Hoá, Tiến Hoá, Cảnh Hoá, Văn Hoá, Quảng Tiên, Quảng Liên, nghề xúc Chắt Chắt trên sông Gianh đã giúp cho hàng trăm gia đình nghèo qua khỏi kỳ giáp hạt.

Hơn thế, nghề còn cho họ một khoản thu nhập không nhỏ để trụ vững với đời sống khốn khó, nuôi con cái học hành.

Dân quê tôi vẫn thường gọi con Chắt Chắt là lộc của cát. Chắt Chắt như con hến nhưng rất bé, thân chỉ như hạt đỗ, nằm dưới đáy sông, là món ăn bổ, mát, dân dã, có bán ở hầu hết các chợ lớn bé ở nhiều tỉnh thành.

No valid json found
Sorry, no video's found

Bà con là Phù Hoá đang xúc Chắt Chắt trên sông Gianh.
Khúc sông Gianh chạy qua xã Phù Hoá dài chừng 4 cây số. Đây là vùng giao thoa giữa nước lợ và nước ngọt. Vùng giao thoa này sinh ra một loài hến bé nhỏ, dân gian gọi là Chắt Chắt. Hằng năm, vào cuối tháng 2 đầu tháng 3 âm lịch, sau một cơn mưa giông, nước ngọt đầu nguồn sông đổ về đến nơi đây, tại vùng sông thuộc xã Phù Hoá này, dòng nước ấy chồm lên làn nước lợ từ dưới cửa biển dâng lên.

Khí trời se lạnh, không gian khoáng đạt, hai làn nước trai tráng và nữ nhi ấy chảy oà vào nhau, tan trong nhau, nồng nhiệt trong nhau như một cuộc hoan lạc vĩ đại của dòng sông, để rồi sinh ra hàng triệu hàng triệu những sợi tơ bé nhỏ, trong suốt, giăng dít dưới đáy sông như là sự thai nghén tự nhiên sau cuộc tình hai làn nước và chỉ sau đó ít lâu, không quá một mùa trăng, những sợi tơ ấy chuyển hoá thành những con hến bé tí, nằm phủ dày dưới đáy sông, tạo nên một lớp Chắt Chắt và mời gọi dân trong vùng vào mùa thu hoạch.

Chuyện ấy như huyền thoại nhưng là cách để ông bà tổ tiên giải thích về sự ra đời của nghề xúc Chắt Chắt làng mình.

Còn một huyền thoại nữa ở làng Phù Hoá – làng Chắt Chắt, không biết hư hay thực: Ông Nguyễn Hàm Ninh – một danh nhân văn hoá Quảng Bình – sinh tại làng Phù Hoá. Ông làm quan dưới đời Vua Tự Đức. Nhưng do tính cách khảng khái, ông từ quan về làng. Cũng không hiểu sao làng lại không nghênh tiếp. Nguyễn Hàm Ninh phẫn chí đến giữa làng, trèo lên đỉnh Lèn Rồng vác một hòn đá vứt xuống sông Gianh mà than: Khi nào đá nổi rơm chìm thì làng Phù Hoá của ông mới lại có người làm quan như ông, rồi bỏ về quê ngoại sống đến cuối đời.

Tiếng than phẫn chí của Nguyễn Hàm Ninh như lời sấm. Từ nhiều đời nay, đúng là làng Phù Hoá nghèo khổ không có được mấy người làng thành đạt theo đường làm quan. Trong khi đó, dù rất nghèo, dù được xếp vào địa phương cồn bãi đặc biệt khó khăn nhưng dân Phù Hoá ham học. Chỉ buồn là, cái nghèo chặn đứng đường vào đại học của nhiều người. Thế mà toàn xã cũng có hàng chục em đỗ đại học, nhiều em khác đỗ trung học và cao đẳng.

Anh Hoàng Bình Trọng – chủ tịch xã ngày trước – nhà nghèo khổ, tuổi thơ anh gắn với những tháng năm lặn ngụp xúc Chắt Chắt trên sông. Nay xã Phù Hoá của anh đã có những đổi thay, có đường, điện, trường học, trạm y tế khang trang rồi, nhưng trong 841 hộ dân vẫn chiếm trên 51% hộ đói nghèo. Và tất nhiên, 51% hộ đói nghèo này hàng năm lại phải gập lưng trên sông xúc nhặt Chắt Chắt cứu đói và kiếm thêm thu nhập. Anh Trọng nói như thề: “Toàn xã đang quyết tâm giải lời sấm của ông Nguyễn Hàm Ninh. Dù rơm không chìm, đá không nổi thì người Phù Hoá cũng phải tìm mọi cách để con cái học hành đến nơi đến chốn và thành đạt!”.

Tôi thuê chiếc thuyền máy của anh Trọng lao ra giữa sông Gianh, đến tận nơi người ta xúc Chắt Chắt và nhảy đại xuống sông, nước ngập tới đùi, trò chuyện với những người đang lặn ngụp xúc Chắt Chắt giữa dòng sông này. Xuống sông mới biết, hoá ra cái khúc sông dài chừng 4 cây số là vùng sinh ra con Chắt Chắt, đáy sông phẳng lì, bước như bước trên sân nhà, ấm chân trên cát. Hàng mấy trăm người đang lặn ngụp, dầm mình trong nắng nóng, người cào, người đãi, hì hục như vậy từ bốn giờ sáng đến gần trưa, khi nước lên to thì dừng. Quần quật như vậy suốt buổi sáng, hai người thật khoẻ cũng xúc được chừng vài ba chục cân, ước khoảng vài rổ, mỗi rổ bán tại chỗ cho người buôn, giá 10 ngàn một rổ.

Cào tay thì vậy, nhưng nếu cào Chắt Chắt bằng thuyền máy thì được khá hơn. Người ta làm cái bàn cào bằng sắt nặng, có kẹp miệng một cái bao lưới rồi thả xuống sông và nổ máy thuyền kéo trượt đi vài trăm mét lại dừng, kéo Chắt Chắt lên. Mỗi thuyền như thế một ngày cũng xúc được vài ba tạ, bán cũng trên dưới trăm ngàn.

Khúc sông Gianh này là nguồn sinh nở của Chắt Chắt.
Người ta làm cách quãng nhau, như sự phân chia, mỗi gia đình một quãng sông, chà đi xát lại mãi vẫn không hết Chắt Chắt. Nhưng mà gian khổ lắm. Nắng nóng rát đầu, toàn thân ngập sâu trong nước, mỗi lần cào được một tô, lại đãi, lại nhặt nhạnh cho sạch sẽ cát sỏi, rác rưởi rồi cho vào cái chậu thau để nổi trên mặt nước.

Mùa hè còn đỡ, cứ tháng 2, tháng 3 âm lịch, rét thấu xương, trẻ con người lớn, thanh niên, người già, vì miếng cơm manh áo, cố quên rét mướt, cầm cự vài cốc rượu hay bát nước mắm chống rét, dầm mình trong dòng sông, nhặt từng đồng tiền bán Chắt Chắt như nhặt vàng trong cát, cay cực và gian nan vô cùng. Thế nhưng với những làng ven sông Gianh, không làm thêm nghề cào Chắt Chắt, e đói, e đứt bữa, e không đủ sức cho con đến trường.

Anh Dưỡng ở thôn Cồn Cưởi, xã Quảng Tiên, kể: “Vợ chồng tui có 4 con. Mỗi năm làm lúa, thu được khoảng 400 ngàn đồng. Đói dài. Có thêm nghề Chắt Chắt, mỗi ngày vợ chồng tui kiếm thêm vài ba chục ngàn, đủ mua gạo, dư ra chút ít thì lo thêm áo quần sách vở, cả 4 đứa con vẫn đến trường”.

Tôi lội lại bên anh Thắng đang xúc Chắt Chắt cho con gái đãi. Anh Thắng kể: “Nhà tui 6 miệng ăn, mỗi năm thu được 7 tạ lúa, nếu không có nghề Chắt Chắt chắc đứt bữa mất mấy tháng”.

Còn anh Nguyễn Văn Tập là một thanh niên, học dở chừng ở nhà, lặn lội suốt hàng tháng trời trên sông xúc Chắt Chắt, tiết kiệm từng đồng, vẫn vui, tuyên bố: “Em đang có âm mưu gom góp chút tiền bán Chắt Chắt rồi sẽ đi học nghề chi đó. Về nhà làm ruộng không đủ sống mà buồn lắm. Khi có nghề em mới lấy vợ. Lấy vợ thì dứt khoát chỉ đẻ một đứa. Có gia đình rồi dứt khoát phải kiếm sống khá hơn, không thể cứ lệ thuộc vào con Chắt Chắt mãi thế này được”.

Còn như anh Dưỡng, lại khoe: “Em và cô ấy đều đi xúc Chắt Chắt, loanh quanh thế nào gặp nhau đầu mùa đến cuối mùa Chắt cưới luôn. Rứa là tụi em lấy nhau đã tám mùa Chắt Chắt rồi”.

Chắt Chắt xúc lên, bà con bán khắp các chợ. Ngay tại chỗ thì có chợ Lèn Rồng, lên xa hơn thì đến bán ở chợ Tràng, rồi chợ Nấp, chợ Vang, chợ Cuồi, chợ Ba Đồn, Lí Hoà, Hoàn Lão, Đồng Lê… Chắt Chắt không bao giờ ế. Nhất là hiện nay, những chủ hồ tôm, hồ cua mua Chắt Chắt để làm thức ăn bổ dưỡng cho tôm cua nhà mình.

Muốn ăn con Chắt Chắt cũng kỳ khu lắm. Sau khi rửa thật sạch, đãi sạch, đem luộc. Luộc xong thì cho vào chậu đãi, đãi thật kỹ càng để tách phần thịt li ti ấy ra khỏi vỏ. Một tô Chắt Chắt thật to thì đãi ra được một bát nhỏ thịt, trông lấm tấm như hạt đỗ và thơm ngấy. Sau đó thì xào với mỡ cho chín, thêm thật nhiều ớt, lá lốt, hành, tiêu. Ăn như vậy với bánh đa nướng là một món nhậu lí tưởng cho dân nghiện rượu. Mồi ruợu bằng Chắt Chắt vừa thơm ngấy, béo, lại cay xè, giã rượu phải biết, mà rẻ vô cùng.

Anh Trọng chủ thuyền khoe với tôi: “Vài ba đứa tụi em mua khoảng 5 ngàn Chắt Chắt xào ớt, thêm 5 ngàn chai rượu đế là ngồi bù khú, là đã ngà ngà say, không làm chi ai cũng đủ dũng cảm tố cáo tay trưởng thôn tham ô. Là em nói ví dụ rứa…”.

Ngoài chợ, người ta còn nấu Chắt Chắt với mít non, hoặc với rau muống thái thật nhỏ, bán mỗi bát có năm trăm đồng, ăn kèm với bánh đa, ăn chừng hai ngàn đã no tưng tức. Không no lâu, nhưng cháo Chắt Chắt kiểu này giúp người nghèo ấm dạ tức thời, giúp người ta có thể nuôi cả nhà một bữa ăn chỉ mất vài ngàn bạc.

Ngày xưa, ông bà còn có câu: “Một con Chắt Chắt nuôi cả ngàn quân” là có ý nói, Chắt Chắt rẻ mà dễ nấu, lại có chất bổ, một thìa Chắt Chắt có thể nấu được một nồi canh rau to ăn no cả nhà.

Còn ở các nhà hàng, những tay bợm nhậu vẫn trân trọng gọi món nhậu Chắt Chắt không phải cần rẻ mà vì ngon, lạ miệng, béo, thơm, cay xè, vừa nhấm nháp chút chít xuýt xoa từng thìa nhỏ vừa uống với rượu hoặc bia, kể cũng có thể cao hứng ngâm thơ hát múa được.

Chắt Chắt cứu đói cho hàng trăm hộ nghèo dọc sông Gianh và mùa cứu đói này kéo suốt từ cuối tháng 2 đến hết tháng 8 âm lịch. Đến tháng 8, mưa lũ về, Chắt Chắt còn lại ở đáy sông tự rã thân mà chết, lại chờ tháng 2 năm sau, lại chờ một cơn mưa để gây hưng phấn cho một cuộc giao hoan mới giữa nước ngọt và nước lợ để thai nghén, sinh nở ra mùa Chắt Chắt mới.

Nguyễn Quang Vinh

(Theo http://www.laodong.com.vn/Home/Song-Gianh-mua-Chat-Chat/2007)

Để lại một bình luận