Giới thiệu bài viết của bạn Trần Thị Thanh Thỏa, hiện là nghiên cứu sinh trường đại học Gwangju Institute of Science and Technology, Hàn Quốc.
Đôi nét về tác giả:
Họ và tên: Trần Thị Thanh Thỏa
Sinh ngày: 25/11 tại Lệ Sơn, thôn Trung Đình
Hiện làm nghiên cứu sinh tại trường đại học Gwangju Institute of Science and Technology, Hàn Quốc.
Email: thanhthoa.qbinh@gmail.com
Nói đến làng Lệ Sơn không ai không biết đấy là làng đứng đầu trong bát đại danh hương của tỉnh Quảng Bình. Điều đặc biệt là làng tôi được xếp vào làng đứng đầu không phải vì có nhiều người đỗ đạt làm quan mà vì đấy là làng có trình độ văn hoá cao theo kiểu “nhà nhà hiếu học”.
Tôi không có tham vọng thông qua bài viết của mình để tìm hiểu và lí giải về lịch sử của truyền thống đáng tự hào đó, chỉ xin kể về một câu chuyện, một kỉ niệm của gia đình tôi như một lời tâm sự. Vâng, đó là một kỉ niệm sâu sắc từ thuở thiếu thời của anh trai tôi về Mẹ, vì tôi tin chắc rằng đó cũng là khởi nguồn của truyền thống ham học trong gia đình tôi.
Mẹ tôi là con của cụ Cai Đại người nổi tiếng thông minh và hay chữ nhưng ông tôi bị xếp vào thành phần địa chủ nên Mẹ tôi cũng không được học hành nhiều. Cũng như các cô, các mẹ cùng thời Mẹ tôi lấy chồng rất sớm và sinh nhiều con, lúc ba tôi đi B ở chiến trường Quảng Trị, Mẹ tôi một mình ở nhà nuôi dạy tới bốn con (gia đình tôi có tất cả 7 người con). Chiến tranh, ba tôi đi vắng, con đông, lại không được vào hợp tác vì thành phần địa chủ thế là Mẹ tôi lại mò cua bắt ốc, đi mót lúa, đi hái để nuôi con.
Thời gian này anh cả tôi bắt đầu đi học, anh là người đỡ đần nhiều việc cho Mẹ lúc đó nhưng Mẹ không cho anh nghỉ buổi học nào. Mẹ đặt kì vọng vào anh, mong anh học hành đến nơi đến chốn để còn làm gương cho các em mà như lời Mẹ nói là “dắt dìu mấy đứa em”. Kỉ niệm mà anh tôi nhớ nhất là hồi anh tôi học lớp bảy, lúc này ba tôi đã về và chiến tranh cũng đã kết thúc. Hồi đó học hết lớp bảy là thi lên cấp ba nên Mẹ tôi lo cho việc học của anh lắm. Anh tôi rất ngoan ngoãn nhưng vì học cũng khá nên hơi chủ quan. Nhà tôi lúc đó đã được giao nhiều ruộng nên công việc cũng khá vất vả, ba tôi thì bận dạy xa nên công việc đồng áng đổ lên đôi vai gầy của Mẹ và các anh.
Lương giáo viên ít ỏi nhiều lúc ba muốn nghỉ dạy để đỡ đần Mẹ nhưng Mẹ chỉ nói “Ba bám lấy cái nghề các con còn có cái danh giá để mà phấn đấu, mình không chịu dạy, ai cũng nghỉ thế ai dạy con mình”. Ban ngày anh tôi đi làm đồng, câu cá còn đêm về mới học bài, Mẹ tôi tranh thủ dọn dẹp và làm gạo. Nhà chỉ có một cái đèn dầu nên lúc nào Mẹ cũng nhường anh học bài, còn Mẹ thì tận dụng ánh đèn leo lét để làm việc. Thường thì anh ngủ sớm hơn Mẹ nhưng có hôm thấy anh học khuya, khuya lắm Mẹ sàng xong cả đống lúa lép mà anh vẫn học bài nên Mẹ đi luộc trứng cho anh, luộc xong Mẹ rón rén bưng lại cho anh nhưng lại gần thì anh tôi đang say sưa đọc tiểu thuyết. “Bốp!” kìm nén không được Mẹ cho anh một cái bạt tai, trùng hợp là anh tôi lúc đó đang đọc đến đoạn nhân vật đại uý trong tiểu thuyết đang dang tay tát người tình nên ngớ người ra. Mẹ giận quá xé tan cả cuốn tiểu thuyết, rồi nấc lên “con lừa mạ mà học hành kiểu ni hả Quảng ơi?”.
Nói xong thì Mẹ tôi bật khóc, anh tôi sợ quá chạy đến cầm vào tay Mẹ,trong tay anh các ngón tay mẹ chai sần rớm rớm máu vì bị các dằm lúa, dằm tre trong khi làm mò mẫm đâm vào. Hai Mẹ con ôm nhau khóc, từ đó anh tôi chăm chỉ và không lơ là việc học. Hết lớp mười anh tôi thi đậu vào đại học sư phạm Quy Nhơn nhưng thương Mẹ anh không đi học quyết đi kiếm tiền để nuôi các em ăn học. Anh xin đi làm công nhân đường sắt, trước ngày anh đi anh dặn dò các anh chị tôi chăm học, học cho cả phần anh, Mẹ tôi khóc,khóc nhiều lắm. Rồi anh tôi làm công nhân theo các công trình làm giao thông, tiếng dần gạo, sàng gạo trong đêm khuya ở các làng quê mà anh đến cứ ám ảnh, thôi thúc anh. Rồi anh quay lại học tập, vừa làm vừa học từ trung cấp rồi tốt nghiệp đại học loại ưu. Lúc nào anh cũng kèm cặp, nhắc nhở chúng tôi chuyện học hành.
Mỗi lần thấy các em lơ là là anh lại kể chúng tôi nghe câu chuyện này. Cứ thế nối tiếp nhau gia đình tôi có bốn người tốt nghiệp đại học, sắp tới sẽ là năm. Tuy nhiên, nhà tôi có anh học xong cấp ba, đi bộ đội rồi về làm ruộng, chị tôi học trung cấp rồi đi làm công nhân cao su, vất vả nên Mẹ tôi day dứt lắm. Mẹ tôi bảo “ở cái làng ni mà học như nhà mình thì chưa có chi đáng tự hào cả, anh chị con khổ là do Mạ không kèm học đến nơi đấy”. Đúng, tôi chưa tự hào vì những gì mà anh em tôi làm được nhưng tôi tự hào về Mẹ, người Mẹ bình thường, không học hành nhiều nhưng luôn canh cánh trong lòng việc học của các con. Tôi cám ơn Mẹ vì Mẹ tôi không biết đến Tây, Tàu, Pháp, Mĩ… mà ngay khi tôi còn học lớp hai ở một làng quê nghèo như thế, heo hút như thế, ngay khi học cấp ba chưa được học ngoại ngữ mà Mẹ tôi đã nhờ thầy Hoè kèm tôi học tiếng Anh.Và tôi biết để đổi lại tôi có những giờ học như thế Mẹ tôi đã còng lưng đến hai giờ sáng để bổ những quả cau cho kịp nắng, kiếm tiền cho tôi được học.
Thế đấy các bạn ạ! Truyền thống hiếu học của quê tôi đắp bồi như thế. Chúng được đắp bồi từ chính mỗi con người, từ những ước mơ và có khi chỉ là từ điều nhỏ nhất như giọt mồ hôi của Mẹ, từ ánh mắt nhìn nghiêm khắc của cha….Có khi sự hiếu học ấy bắt nguồn từ câu nói giản dị mà rất thật “Ở cái làng này thiếu ăn thì không sợ ai cười nhưng thiếu học thì lại không dám nhìn mặt ai”. Với gia đình tôi có lẽ điều đó bắt nguồn từ hình ảnh người Mẹ cặm cụi dần sàng bên ánh đèn leo lét để nhường phần sáng cho con học bài. Chính cái nguồn sáng chắt chiu ấy làm rạng ngời trang sách của anh em tôi, góp phần nhỏ tô đẹp truyền thống hiếu học của Lệ Sơn.
Làng quê tôi có rất nhiều những người mẹ như thế, có đói nghèo cũng nhận phần khổ về mình để con mình được học còn chồng mình được đem con chữ đến cho người. Làng quê tôi yên bình lắm, dãy dãy các luỹ tre che khuất cả mặt người nhưng mãi mãi không che được tầm nhìn của nhưng con người nơi đây khi mà dòng máu hiếu học đang tuôn chảy ở chính mỗi con người bình thường. Cám ơn những người mẹ như Mẹ của tôi,bình thường mà vĩ đại. Tháng tư này là giỗ đầu của Mẹ con xin viết tâm sự này lên chính trang Web của quê hương mình như một nén tâm nhang dâng lên Mẹ của con và cũng cho con được dâng lên lòng thành kính với quê nhà bởi những truyền thống của quê hương đã thôi thúc các con học tập, cám ơn anh-người anh Cả đã từ những nhọc nhằn của Mẹ mà động viên các em mình cố gắng.
Tác giả: Trần Thị Thanh Thỏa @ 17/01/2015 22:04