(Phóng sự của Lương Duy Cường đăng trên báo Người Lao Động số ra ngày 29-1-2009)
Cũng có thể vì là một dòng sông lịch sử đã quá nhiều máu nhân gian đổ xuống mà sông Gianh còn có một cái tên khác nữa là Linh Giang – dòng sông linh thiêng
Sạt lở đe dọa sản xuất ở xã Quảng Hải.
Làng tôi chỉ cách xã Quảng Hải vài sải đò. Cũng như quê tôi, Quảng Hải và một loạt xã khác nữa phía Nam sông Gianh đến bây giờ vẫn chỉ có đò là phương tiện đắc dụng để tiếp cận với giao thông trên Quốc lộ 1A hoặc đến được chợ Ba Đồn nằm ở phía bờ Bắc – cái chợ sầm uất nhất cho một loạt các huyện Quảng Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Có lẽ khó khăn về giao thông, rồi vì ruộng đất đã ít ỏi lại quá cằn cỗi, lũ lụt triền miên nên các xã phía Nam sông Gianh đều rơi vào tình cảnh nghèo khó trầm kha.
Ký ức tuổi thơ
Mẹ tôi kể đã sinh ra tôi đúng vào một ngày sông Gianh ngầu đỏ máu vì một đơn vị hải quân của bộ đội ta bị máy bay và hải quân Mỹ dồn đuổi, chạy lánh vào sông Gianh. Tuổi thơ tôi còn kịp nhìn thấy sông Gianh sùng sục sôi và những ngôi làng tơi tả hai bên dòng sông Gianh vì những trận mưa bom B52 Mỹ.
Tôi đồ rằng nếu như trong chiến tranh chống Mỹ, nếu Quảng Bình là vùng tuyến lửa hứng chịu nhiều bom đạn nhất nước thì chính sông Gianh là cái chảo lửa. Lứa trẻ con như chúng tôi lớn lên ở những làng phía Nam sông Gianh chỉ cậy nhờ vào các chuyến đò ngang để đi học chữ. Chuyện phải biết bơi, biết lặn gần như là một bản năng sinh tồn, bởi chỉ có cách như thế chúng tôi mới vượt được sông Gianh để không phải bỏ học buổi nào trong cả những ngày bến đò ngang chìm trong mưa bom; rồi bởi ngoài giờ học, chúng tôi còn phải hụp lặn để nhổ rong, bắt tôm bắt cá. Nghèo khó thế nhưng những làng quê dọc hai bên sông Gianh lại nổi tiếng về sự hiếu học. Nổi tiếng nhất là làng Lệ Sơn, nơi duy nhất được xem là đã xóa được hoàn toàn nạn mù chữ từ trong xã hội phong kiến, khi mà cả nước đang có tới 80% dân số mù chữ.
Lịch sử hào hùng
Dài 160 km nhưng sông Gianh là con sông duy nhất trong cả nước chảy trọn vẹn trong địa phận một tỉnh. Các nhánh sông đều khởi nguồn từ dãy Trường Sơn hùng vĩ hoặc 99 đỉnh núi đá vôi huyền thoại. Chúa Nguyễn Hoàng (1558-1604) lấy sông Gianh làm giới tuyến Đàng Ngoài, Đàng Trong. Bờ Bắc sông có chợ Ba Đồn là nơi quân Trịnh mua đồ ăn thức uống và trao đổi hàng hóa. Bờ Nam có một số thành lũy chắc chắn do Đào Duy Từ tổ chức xây đắp, lũy Thầy dài 18 km, lũy Trường Dục dài 10 km. Di tích lũy Thầy, Quảng Bình quan, thành quách của thời Trịnh, Nguyễn hiện vẫn còn. Khi Nguyễn Huệ chấm dứt nội chiến Nam – Bắc phân tranh hơn 200 năm, sông Gianh là ranh giới ghi nhận công cuộc thống nhất đất nước để lập nên châu Thuận Chính với ý nghĩa Thuận là hòa thuận, chấm dứt chiến tranh. Năm 1802, khi Gia Long lập ra triều Nguyễn, Nguyễn Phúc Ánh cũng lấy sông Gianh làm ranh giới để phân biệt trong phong tước phẩm, định mức thuế đối với nhân dân hai bên bờ sông Gianh.
Thời kỳ chống Pháp, sông Gianh là nơi mà lực lượng kháng chiến giăng bẫy để nhấn chìm hàng loạt tàu chiến hiện đại của Pháp. Thời kỳ chống Mỹ, cảng sông Gianh chính là nơi khởi đầu của con đường Hồ Chí Minh trên biển. Từ sông Gianh, các con tàu lần lượt vượt biển vào miền Nam ruột thịt. Thôn Phong Nha, một làng quê nhỏ nằm bên một nhánh chính của sông Gianh là điểm xuất phát của con đường Hồ Chí Minh huyền thoại trên bộ. Trạm cảng sông Gianh, bến phà sông Gianh cùng hàng loạt xã hai bên bờ sông Gianh đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Cũng có thể vì là một dòng sông lịch sử đã quá nhiều máu nhân gian đổ xuống mà sông Gianh còn có một cái tên khác nữa là Linh Giang – dòng sông linh thiêng.
Nguy cơ xã Quảng Hải bị xóa sổ
Xã Quảng Hải có 600 hộ với gần 3.000 nhân khẩu sống trên diện tích gần 436 ha. Diện tích đất canh tác chiếm gần một nửa. Dân Quảng Hải canh tác thuần nông một vụ với các cây trồng chủ yếu là lúa, mía và lạc. Mọi khoản thu nhập của dân Quảng Hải trông chờ từ đó. Một thống kê mới đây cho thấy những năm lại đây, do bị dòng nước xiết bao vây và tấn công từ bốn phía nên dân Quảng Hải luôn sống trong tình trạng bất an trước miệng thủy thần. Nếu như toàn huyện Quảng Trạch có 15 điểm sạt lở nghiêm trọng dọc sông Gianh thì riêng xã Quảng Hải đã có 2 điểm là thôn Tân Thượng và thôn Tân Đông. Bình quân mỗi năm vừa qua, sông Gianh xâm thực vào Quảng Hải từ 5 m – 7 m trên chiều dài 3,5 km, “cướp” mất của Quảng Hải từ 10 ha – 15 ha đất màu, vườn tược và hàng loạt nhà cửa. Gần 100 hộ dân nằm trong tình trạng báo động. Đã có những cảnh báo rằng với diễn biến thời tiết như mấy năm vừa rồi và không sớm có phương án bảo vệ nào thì chỉ cần mươi năm nữa Quảng Hải sẽ biến mất trên bản đồ hành chính. Năm năm nay, Quảng Hải liên tục kiến nghị lên trên xin kinh phí làm kè chống xói lở một số đoạn xung yếu nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy nguồn vốn nào được bố trí về. Trước tình hình như vậy, xã buộc phải có kế hoạch cấp đất mới và động viên các hộ dân di dời đồng thời trồng các loại cây để giữ đất. Nhưng theo lãnh đạo xã, tốc độ của sạt lở còn nhanh gấp nhiều lần việc di dời dân.
Đất nghèo muôn thuở
Trước khi từ giã hào khí dũng mãnh của đại ngàn để về với biển, những nhánh chính của sông Gianh hợp lại, tạo nên hạ lưu có nơi rộng đến 2 km. Ở một điểm hợp lưu như thế, dòng sông xẻ nhánh. Một vùng cồn cát nổi lên giữa mênh mông sông nước chính là nơi có xã Quảng Hải.
Vì cái thế ốc đảo ấy mà bao đời nay dân Quảng Hải muốn sang bờ Bắc hay đến bờ Nam đều phải lụy vào những chuyến đò ngang. Bình thường, dù là buổi sáng mai hay khi chiều hôm, Quảng Hải nhìn đẹp như một bức tranh sơn thủy hữu tình với làng quê yên bình giữa bốn bề nước biếc. Nhưng khi lũ đến, mà năm nào lại chẳng có lũ, thì ốc đảo Quảng Hải này lại như một mũi tàu hứng chịu trọn vẹn áp lực từ mọi hung dữ của thượng nguồn. Quảng Hải cũng là nơi duy nhất của vùng đất Quảng Bình mà người dân phải phơi mình để hứng chịu chứ không thể tìm cách chạy trốn vào đồi núi để tránh bom đạn chiến tranh hay bão lụt. Dân Quảng Hải ai không nghèo mới là lạ. Cho nên dù đã gian nan suốt thời chiến tranh, đã hàng chục năm không cảnh bom rơi đạn vãi rồi mà Quảng Hải vẫn là xã nằm trong danh sách nghèo nhất của tỉnh nghèo Quảng Bình. Đã vậy, gần đây, tình trạng tàn phá rừng đầu nguồn, nạo vét đất cát dưới lòng sông, lấn chiếm bãi ven sông để đắp hồ nuôi tôm cá ở vùng thượng nguồn đã làm lệch dòng chảy của sông Gianh. Quảng Hải và hàng loạt xã ở vùng hạ lưu, vì thế lại phải oằn lưng gánh thêm thảm họa mới: Lở đất.
Giấc mơ về những cây cầu
Dân hai bờ sông Gianh đến giờ vẫn lưu giữ truyền thuyết: Thời chúa Nguyễn Phúc Chu, có chàng trai phía bờ Bắc yêu cô gái phía bờ Nam. Chàng bơi qua sông thăm nàng, khi trở về liền bị quân chúa Trịnh bắt đem lưu đày. Nàng nhan sắc kiều diễm lại hát hay nên bị triệu vào cung hầu hạ chúa Nguyễn. Thế tử si mê tài sắc của nàng bèn tìm cách chiếm đoạt nhưng không được. Một hôm, chúa Nguyễn gọi nàng vào hát rồi vì thích quá nên cho phép được chọn một đặc ân để ban thưởng. Nàng xin được về bờ Bắc. Chúa nổi giận, buộc nàng phải chọn giữa việc vào ngục hoặc lấy thế tử. Nàng chọn nhà ngục. Thế tử quá cảm phục, tìm cách cứu nàng. Chúa phát giác nên thế tử bị lưu đày, sau trốn thoát và theo quân chúa Trịnh đánh lại chúa Nguyễn, dùng lời hơn lẽ thiệt gợi lòng yêu đồng bào ruột thịt của binh sĩ. Tiếng sáo của thế tử cùng tiếng hát của nàng làm xúc động lòng người đến mức lính và dân hai bờ mặc kệ quan lại hai phe hăm dọa, khiêng đất lấp sông Gianh.
Khắc khoải, bất lực
Dĩ nhiên, chẳng thể nào lấp nổi sông Gianh, nhưng đó là ước nguyện bao đời của dân đôi bờ muốn không bị ngăn sông cách chợ.
Thời chiến đã đành nhưng đến cả thời bình, trên hành trình Bắc – Nam bằng Quốc lộ 1A, nếu ai đã đi qua bến phà Gianh trước những năm 1998 gặp lúc nước sông lên cao phà không hoạt động được, chứng kiến cảnh hàng ngàn chiếc xe nối đuôi nhau chờ đợi, những chuyến xe chở bệnh nhân đi cấp cứu…, sẽ hiểu được vì sao sông Gianh cần có những chiếc cầu. Ngay cả tướng Đồng Sĩ Nguyên, một đời gắn bó trọn vẹn với sự nghiệp chỉ huy làm nên vô vàn những cung đường huyền thoại cho cả nước, thế mà bao năm về thăm quê ở bờ Nam sông Gianh vẫn phải đau đáu một nỗi niềm vì chưa biết bao giờ mới có những cây cầu bắc qua sông này.
Cầu Quảng Hải gặp sự cố, đến nay vẫn chưa xây dựng xong. Ảnh: T.Phùng
Nhưng, dẫu là một chiếc cầu qua sông Gianh thôi thì vẫn là nỗi bất lực của tỉnh Quảng Bình. Bất lực vì bom đạn Mỹ đã làm cho ngô, lúa không thể tốt tươi nổi trên ruộng đất Quảng Bình thời hậu chiến; rồi bão lụt triền miên khiến cho mãi đến 30 năm sau ngày giải phóng mà tổng thu ngân sách từ kinh tế địa phương năm 2005 của Quảng Bình chỉ hơn 430 tỉ đồng, ngân sách Trung ương còn phải trợ cấp thêm gần 1.300 tỉ đồng nữa mới duy trì được hoạt động. Vậy thì lấy đâu để mơ đến những cây cầu vượt Linh Giang? Mà đặc điểm bạo liệt của sông nước miền Trung nói chung lại không thể cho phép sử dụng những loại cầu bán kiên cố như nhiều nơi vẫn làm.
Niềm vui không trọn vẹn
Không phải khi xảy ra thảm họa chìm đò ở Quảng Hải thì việc bắc cầu vượt sông Gianh mới được nói đến. Vào những năm 1980, việc bắc cầu qua sông này để giải tỏa ách tắc trên Quốc lộ 1A và thông tuyến Quốc lộ 12 nối Quốc lộ 1A với cửa khẩu Cha Lo sang nước bạn Lào đã được Chính phủ quan tâm. Năm 1998, chiếc cầu đầu tiên mang tên sông Gianh, dài gần 1 km đã nối thông Quốc lộ 1A. Tiếp đó, cầu Minh Cầm, rồi cầu chợ Gát nối Quốc lộ 1A với Quốc lộ 12 cũng lần lượt được xây dựng, chấm dứt hoàn toàn tình trạng ách tắc trên hệ thống quốc lộ đi qua Quảng Bình. Cũng chỉ trong vòng 10 năm nay, ít nhất còn có thêm 3 chiếc cầu nữa cũng được bắc qua sông Gianh để thông thương giữa các xã hai bên bờ. Riêng ở huyện Quảng Trạch, để nối thông trung tâm huyện ở bờ Bắc với 9 xã phía bờ Nam, dự án xây cầu Quảng Hải có đường nối hai cầu dài 900 m và sẽ được chia đôi gồm cầu số 1 nối từ Quảng Hải với bờ Bắc dài 400 m, cầu số 2 nối Quảng Hải với bờ Nam 300 m, tổng vốn đầu tư 82 tỉ đồng, đã khởi công từ tháng 9-2003.
Khỏi phải nói về nỗi vui mừng của người dân các xã phía Nam bờ sông Gianh. Vui nhất là dân Quảng Hải, vì cả đời mong một cây cầu không được mà giờ xem như sẽ có những 2 cây cầu. Nhưng “vận nghèo thường gặp eo”, dự án lẽ ra đã phải xong từ năm 2006 thì sau 2 năm thi công lại gặp ngay sự cố phải dừng lại rất lâu để chờ thay đổi thiết kế. Càng chờ đợi, vốn đầu tư càng dội lên. Cuối năm 2005, Thủ tướng đã phải quyết định ứng trước 45 tỉ đồng kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2006 cho Quảng Bình 25 tỉ đồng để hỗ trợ dự án cầu Quảng Hải. Nút thắt về vốn đã tạm thời được mở, nhưng sự xoay trở chậm chạp của các đơn vị thi công, quản lý đã khiến cho dự án đến bây giờ vẫn còn dang dở.
Trước giao thừa Tết Kỷ Sửu, Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Bình Hồ An Phong nghẹn ngào với tôi: “Tội quá anh ơi! Chỗ chìm đò cách cầu Quảng Hải đang xây chừng 500 m chứ mấy. Giá mà cầu xây xong đúng tiến độ thì làm sao có nỗi đau này”. Tôi chợt nhớ mới năm trước có dịp ghé qua Quảng Hải, tưởng cầu sắp xây xong nên rất nhiều người dân ở đây khoe là đã chuẩn bị cờ quạt để chào mừng ngày được chạy băng băng trên cầu thông hai bờ. Tôi cũng đã có giấc mơ lãng mạn khi nghĩ đến một ngày cả xã nghèo Quảng Hải rợp đỏ cờ hoa.
Song, cờ hoa chưa kịp tung bay, trời Quảng Hải đã trắng màu khăn tang…
Bài và ảnh: Lương Duy Cường ® 16.03.2009 09:28
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)