Bài viết Cảm xúc - Kỷ niệm về Lệ Sơn

Những câu chuyện tiếu lâm, anh đã từng gửi đăng trên trang web làng. Hôm qua 20/09/2020 anh đã mãi mãi ra đi – Xin vĩnh biệt anh Trần Đức Lộc (xóm Bàu Sỏi).

Được đăng bởi Người Lệ Sơn

Anh đột ngột ra đi lúc 16 h chiều ngày 20/09/2020 tại Đà Nẵng, vì căn bệnh đột quỵ khi vừa tròn 61 tuổi, cộng đồng người Lệ Sơn xin gửi tới gia đình anh lời chia buồn sâu sắc. Cầu mong anh siêu thoát, về cùng tiên tổ. Anh Trần Đức Lộc đã từng đi bộ đội, tham gia cuộc chiến chống Trung Quốc biên giới phía Bắc tháng 02/1979. Sau đó được đi du học ở Nga . Về nước làm giảng viên khoa Luật Đại học kinh tế Đà Nẵng và đang chuẩn bị chờ nghỉ hưu. Anh là người tiên phong trong vận động và đóng góp khôi phục các công trình cổ tại quê hương Lệ Sơn, như : Giếng Hồ , Miếu Cao Các Mạc Sơn, Cổng chào xóm… hỗ trợ cho đội bóng chuyền thôn, Hội CCB, Hội phụ nữ … Vĩnh biệt anh – Một người con ưu tú của quê hương Lệ Sơn.

Những câu chuyện hài anh đã từng gửi đăng trên trang web làng, cách đây 10 năm:

Những chuyện ni chỉ Lệ Sơn mới có!® 25.01.2010 01:26 ®Tác giả : Hải Trần – Đà Nẵng

Nhân dịp đầu Năm mới Canh Dần, Hải Trần tôi xin được góp vui cùng bà con Lệ Sơn một vài mẩu chuyện vui có thật của làng ta. Có chuyện thì tôi được biết, nhưng cũng có chuyện tôi chỉ nghe kể lại. Dù thực hư thế nào thì qua những mẩu chuyện vui này, chúng ta cũng cảm nhận được nét thông minh, hài hước và cả tinh nghịch dí dỏm của dân Lệ Sơn ta từ cổ chí kim.

Trong những mẫu chuyện mà tôi sẽ kể sau đây đều là những giai thoại về những nhân vật có thật mà hiện tại đa số họ đã trở thành người quá cố, Bởi vậy, cho phép tôi được miễn nêu tên.      

1. CỒ XI NỰA MÀ VÔ CHÚ    
 
Trước đây, ở thôn Bàu sỏi có hai cụ, nhà ở cạnh nhau và chơi rất thân với nhau nhưng tính nết hai người thì hoàn toàn trái ngược nhau. Một cụ (lớn tuổi hơn) thì thiệt thà như đếm, ngược lại, cụ trẻ thì thông minh, láu lỉnh nhưng trọng nghĩa. Hai người kết thân và xưng hô với nhau là Chú, Bác.   Một bữa nọ, ông chú đến rỉ tai ông bác:
–         Bác ơi, ở xóm dưới có một Ả Đào hát rất hay và rất lẳng lơ, tui đã đến đó mấy lần, Túi ni tui đưa bác xuống đó giới thiệu cho bác nhé nhưng bác nhớ thể hiện cho thiệt đàn ông thanh niên vô nghe.  
Tối hôm đó, khi hai người đến nhà của Ả đào, chỉ thấy một mình ả ở nhà, đang nằm hóng mát rất hớ hênh. Ông chú nói:
–         Bác vô đi, tui sắp xếp trước rồi, không có việc chi mô, đừng sợ.
–         Thôi chú vô trước đi, để tui nghe ngóng, trấn tĩnh rồi vô sau .
–         Rứa cũng được. Chờ tui nhé, mau thôi,  
Vậy là ông chú vào trước. Được một chặp, ông chú trở ra và vỗ vai ông bác:
–         Bác vô đi, mọi việc êm cả, Mạnh dạn lên. Thích lắm.
–         Thôi ta về đi chú.
–         Bác mần răng lạ rứa?
–         Thì còn xi mô nựa mà vô. Lúc chú vô trong đó, tôi đứng ngoài, nghe trong đó cười nói, rên la rồi thở phì phò, tui phải ôm cơn xuối nghiến răng chụi đựng, rứa là được mây đổ hết ra bụi xuối đó rồi .

2. TRÂU ĐỨT DAY

Ở dưới Trùng làng có một cụ ông rất thông minh, hài hước, nhưng lại rất sợ vợ. Ông bị vợ bắt nạt thường xuyên, thậm chí đôi khi mệ còn rượt đánh ông. Nhưng mỗi lần ông bị vợ đuổi đánh, ông đều là người thắng cuộc. Bà con nghe thấy lạ phải không? Tui xin đươc kể hai lần điển hình:

    Lần thứ nhất, ông bị mệ đuổi đánh, hai vợ chông dồn nhau chạy quanh cái tủ. Đang chạy, bỗng dưng mệ vợ quay ngoắt lại, ông ta bị đón đầu, bí quá, ông cười:

–         Hề, hề. khoan đã. cấm không chơi chạy đón đầu nha. Mệ thấy nực cười, tha luôn.

Lần thứ hai, lần này căng thẳng hơn. Mệ cầm đòn triêng đuổi đánh, ông phải chạy ra đồng. Khi chạy qua một đám đông bà con đang làm đồng. Ông vừa chạy vừa quay đầu nói thật to cho moị người đều nghe:

–         Thôi mệ ơi, chỉ có một con trâu đít day thì một mình tôi là bắt được rồi, mệ về lo cơm nước đi.

Nghe vậy, mệ vợ tủm tỉm cười và buông đòn triêng quay về.

  1. LE BAY, LE BAY

Hồi chiến tranh chông Mỹ ác liệt, có hai cha con chèo đò lên Đụn chặt củi. Đến chập choạng tối, hai cha con chất củi lên đò chèo về. Người cha chèo lái còn người con chèo mũi. Săp qua khúc sông mà tàu bay hay bất ngờ xuất hiện thả pháo sáng và oanh tạc. Người cha dặn:

  • Khi mô con nghe tiếng máy bay thì nói để cha con nhảy lội nhanh vô bờ nha.
  • Dạ. Nhưng nếu bọ phát hiện ra trước thì cũng nhớ kêu con đó.

Hai cha con chèo đò đến quá hang Lệ sơn, gió mát, trăng thanh.Người con nổi hứng hát: le bay, le bay, tiểu đoàn le bay.. Tức thì: Ùm, người cha nhảy khỏi đò. Ngoảnh lại, thấy bọ nhảy, tưởng có máy bay, người con cũng nhào liền xuống.

Lội vô đến bờ, vừa thở hổn hển, người con vừa trách:

  • Bọ chơi không đẹp,con đã dặn bọ rồi mà răng phát hiện có máy bay bọ lại nhảy một mình?
  • Thì tau nghe mi hét “bay, bay” tau mới nhảy chứ lị.

Vừa mệt vừa ướt sũng nước, hai cha con vẫn được một trận cười bể bụng.

4. DẰM RỒI, SƯỚNG LẮM

  Cách nhà tôi không xa, có nhà của hai ông mệ. Năm đó, ông mệ tầm ngoài sáu mươi. Hồi chiến tranh ác liệt, tối đến, không nhà nào được thắp đèn. Một lần, tôi với lũ bạn con nít chơi trò trốn tìm đến nấp sau thềm nhà ông mệ , bỗng nghe vọng từ trong nhà tiêng của mệ nói với ông: “ Ông đưa lên tí, ồ không được ,hơi quá rồi, thụt xuống lại tí thôi. Rồi, sang bên phải tý đi, lại đưa sang quá mất rồi, trở lại bển trái một tẹo thôi. Đó, đó, dằm, dằm rồi, ui cha sướng, sướng..

   Tụi con nít bọn tui nín thở, ngẩn tò te không biết chuyện chi.

   Hóa ra, mệ nhờ ông…gãi lưng !

 5. PHÁ MỒI

   Ngày xưa ở làng tôi có một chị sống một mình, nhà nghèo lắm, Chị làm một cái nghề ít ai nghĩ đến: gánh rượu đi bán dạo.

   Bữa đó , gánh hai trình rượu đi từ đầu làng đến cuối làng, suốt từ sáng đến trưa mà chẳng bán cho ai được một li nào. Chán chuờng, mệt mỏi, chị ghé vào một lùm cây rồi bò gánh rượu xuống nằm ngủ. Của đáng tội, chị lại mặc váy, nên khi ngủ sơ ý thế nào, váy bị tôc lên quá bẹn.

   Một con quạ đậu trên cành cây sà xuống. Phát hiện thấy “cục thịt thừa” nó liền nhảy đến mổ. Chị hàng tưởng có ai đến gọi mua rượu, đang ngủ lơ mơ, chị nói:

–         Rượu ở trong trình ấy, cư uống đi rồi trả cho tui mấy cũng được.

   Con quạ thấy động bay lên. Một lúc sau thấy yên, nó lại sà xuống và tiêp tục mổ “cục thịt thừa”. Cáu quá, chị hàng tuy mắt vẫn còn nhắm mà cất tiếng chửi đổng:

   –   Mẹ, tổ cha thằng nào, rượu thì không chịu uống mà cứ đè phá mồi khan rứa? !

               ( hì,hi.. dân nhậu nhớ phá mồi ít ít thôi nha! )

Trên đây là chỉ mới một vài giai thoại thôi, tôi còn sưu tầm được khá nhiều, cả thời cổ đại, trung đại, hiện đại đều có đủ. Nếu mọi người đọc thấy thư giãn được thì cho ý kiến đẻ tôi cho ra mắt”xery” mới vào dịp “cá Tháng tư”nhé.

                                                                                Thân ái!

HẢI TRẦN ĐN ® 25.01.2010 01:26


Hải Trần tôi thấy độc giả LLS có vẻ cũng quan tâm đến các giai thoại xưa – nay của làng mình nên xin được tiếp tục hầu độc giả một số chuyện có thật nữa của làng ta. Trong “xê-ry” mới này vẫn xin được tiếp tục về các giai thoại của những bậc tiền bối. Mong các độc giả trẻ tuổi ráng chờ nhân vật của mình vào các “xê-ry” sau nhé.

1. CHUYỆN CỦA ÔNG T. C.

Trước đây, ở xóm Bàu Sỏi có một ông nổi tiếng ăn khỏe và làm việc khỏe ( người ta gọi tên ông là T. C. ghép tên con đầu và tên húy của ông).

Nói đến tài khỏe ăn, khỏe làm của ông thì cả làng ai cũng kính nể. Sáng sớm dậy, ông bảo vợ nấu cho ông ba lon gạo, ăn xong, ông vấn một điếu thuốc lá to hơn điếu xì gà của Cu-ba bây giờ. Châm thuốc, ông đánh trâu ra đồng cày một mạch đén tối mới về.

Một lần, ông đi dự đám kỵ, sau bữa tiệc người nhà chừa lại một mâm đẻ “cắt thiếu”. Mấy người bà con trong lúc ngồi uống nước liền thách đố ông ăn hết mâm xôi và con gà còn lại. Nếu ông làm được thì bà con sẽ không nhận phần cắt thiếu nữa, băng không ông phải cày ruộng cho mỗi nhà một buổi. Nghe vậy , ông nói: ” Tui chỉ thương cho mấy đứa cháu ở nhà chờ mà không có phần cắt thiếu thôi chứ chừng đó tui đánh bay”. Không một ai tin là ông có thể ăn hết mâm xôi và con gà ( Mâm xôi thời đó khoảng bảy lon nếp với một con gà trống to). Thế là họ cùng thách ông.

Ông bắt đầu ngồi ăn, khi mới hết chừng non một phần ba mâm xôi với hai cái đùi gà, ông cảm thấy khó xuôi, nhưng ông nghĩ : nếu thua thì ngượng lắm, họ sẽ cho mình là kẻ tham ăn chứ không phải tài ăn. Thế nên, dù cái bụng thì không nạp được nữa nhưng ông vẫn ra vẻ hăng hái lắm. Ông vắt từng nắm xôi thật to, xé nhỏ phần thịt gà còn lại như là sẽ làm gọn trong chóc lát. Bà con thấy vậy tưởng ông sẽ ăn hết cả mâm xôi với con gà thì hết phần đem về cho con ở nhà. Thế là ai cũng xúm vào để giành một nắm xôi, một niếng thịt . Ông thành người thắng cuộc!

Lần khác, khi ông đang cày ruộng thì có một ông khách lạ ở làng khác tìm đén. (ông này nổi tiếng vật khỏe). Ông T. C. thấy sự lạ liền hỏi:

– Quý ông lặn lội tìm tui, chắc có chuyện chi hệ trọng ?

– Chăng giấu gì ông, tiếng lành đồn xa, nghe tin ông là người khỏe nhất làng này nên kẻ hèn này muốn được tìm đến để thỉnh giáo.

– Thiên hạ đồn thổi rứa thôi, chứ tui thì ngoài việc đồng áng ra có mần dược trò trống chi mô. Nhưng bác đã đến đây thì phiền bác chờ tui một tí, còn vài đàng nữa tui ráng caỳ nốt rồi lên tiếp chuyện bác.

Ông khách ngồi trên bờ quan sát thấy sự lạ liền thắc mắc:

– Tôi hỏi khí không phải, vậy chứ cày xong ông làm sao đưa được con trâu lên bờ, vì xung quanh bao kín bởi ruộng lúa của họ cả? Mà ban sáng ông vào đó bằng cách chi? Ông T.C. thủng thăng đap:

– Nông dân làm theo cách của nông dân bác ạ

Khi cày xong, ông T.C. tháo cày rồi đưa hai tay xuống dưới bụng con trâu nhấc bổng nó lên chao chao hai ba cái cho sạch rồi thong thả lội qua ruộng lúa của họ đặt lên bờ. Khi ông quay lại lấy cái cày lên thì ông khách đã cao chạy xa bay.

2. CHUYỆN CỦẢ ÔNG L.

Ở sát gần nhà tôi có ông L.nói trạng nổi tiếng. Làm việc gì mà có ông thì vui hết biết. Ông vui tính và thương con nít lắm. Hồi đó ông làm đội trưởng đội sản xuất của HTX Đồng Tiến ( Xóm Bàu Sỏi bây giờ).

Một lần đội tổ chức triả sạu, cả người lớn lẫn con nít đều tham gia. Chúng tôi, những cô cậu học sinh cấp 2, cấp 3 vừa trỉa sạu vừa đem ra đố nhau những câu hỏi mẹo về toán, lý, hóa .…nói chung là những gì mà mình sưu tầm được, Khi bọn tôi hết đố nhau, ông L.lên tiếng:

– Tau ít học, nghe những gì tụi bay đố tau không hiểu mô tê. Chừ tau có một câu đố, nếu đứa mô giải được tau cọng thêm cho một điểm chấm công, bằng không thì sau khi xong việc tất cả tụi bay phải đi tìm lấp bằng hết các lỗ còn sót do trang không lấp được.

Tụi tôi đồng ý liền. Rồi ông ra câu đố: Có một cái hồ nước, xung quanh tường rào cao kín, chỉ có một cái cổng để vào nhưng trước cổng lai có một con beo nằm canh ( con beo thiệt chứ không phải bằng đá). Một con trâu ở ngoài khát nước. Hỏi bây, con trâu mần răng vô được để uống nước ?

Cả bọn xao xao tranh luận nhưng gần một giờ đồng hồ mà chẳng có đứa mô tìm được đáp án cả liền chịu thua và đề nghị ông L. giải đố. Ông cười rồi thủng thẳng:

– Thì học cấp 2, cấp 3 như bọn bay mà cũng chịu không tìm ra cách để vào hồ thì thử hỏi mần răng mà con trâu nó nghĩ ra. Thôi, trình độ rứa thì đi tìm việc đơn giản như đã giao kèo mà mần đi

Kể từ đó, bọn tui hết khua mõ kiến thức trước các bậc tiền bối nữa.

2. CHUYỆN CỦA ÔNG Q.

Ở xóm Bàu Giữa có ông Q., ông này trạng cũng không kém gì ông L. ở xóm trên. Ông Q. có một cái tật là rất nhát nước, ít ai thấy ông tắm bao giờ, kể cả nhưnhững ngày hè nóng nực.

Một lần, (đâu vào dịp Lễ 2-9 thì phải) cả mấy người con của ông đi làm việc ở xa đều về lễ. Hôm đó, ông Q. lên lèn đót rậy để chờ mưa xuống là vại cải. Khi ông từ rậy trở về , mặt mày , mình mảy lấm đầy lọ nghẹ. Người con trai lớn của ông (vốn là bác sỹ) thấy bọ về trong dung nhan như thế thì đinh ninh rằng hôm nay ông sẽ tắm. Anh ta liền thách đố với mấy đứa em:

– Tau đố bây, bựa ni bọ mình có tắm không? Nếu bây đoán trúng thì ngày mai tau sẽ ra cuốc hết vạt rọng trước nhà, còn nếu bây đoán sai thì sáng mai hai ả em bây ra chợ mua thịt cá về liên hoan một bữa cả nhà trước khi vào lại cơ quan.

Hai o con gái ở nhà nhiều , quá hiểu tính bọ rồi nên khẳng khái trả lời là : nhát định bọ sẽ không tắm..

Chập tối, mệ Q. đun một nồi nước ấm rồi bảo ông:

– Ông ơi tui đun nước nóng cho ông rồi ra tắm đi chứ ngài ngợm nhớp rứa mần răng nằm cho được. Ông Q. đáp thủng thẳng:

– Ẹ hè..mạ mi tạc bày đun nác đun nôi mà mần xi không biết, tui chùi sạch bong rồi. Nói xong ông lên giường ngủ một lèo đén sáng.

Sáng dậy, anh con trai thắc mắc với bọ:

– Răng túi qua bọ đi rậy về bẩn rứa mà không tắm cái cho sạch ? Ông Q. lại thủng thẳng

– Tau tính cả rồi, nếu không tắm thì đằng mô tau cũng có một bựa liên hoan, vì mốt bọn bay trở về cơ quan cả, nếu hai con em mi không mần thì mạ mi cũng mần. Còn nếu tau tắm thì vạt rọng đăng trước tau cuốc chơ mô đén lượt mi.

Cả mây anh em, kẻ thắng, người thua nhưng đứa mô cũng phục bọ một cách toàn diện.

4. CHUYỆN CHỊ K. VẶN CÔ ANH C.

Phía trên nhà tôi một đoạn có nhà anh C. và chị K. mới cưới nhau dược mấy tháng (hồi đó thôi chứ bây giờ anh chị đã vào làm ăn trong Bình phuớc và cũng đã tầm ngoài 60).

Ở quê mình hồi đó nghèo lắm, các cặp vợ chồng mới ra ở riêng lại càng khó khăn hung. Hai vợ chông anh C. không có tiền mua mên để che mà phải trét mên đất.

Bựa đó, chị K. thì đạp nhồi đất còn anh C. thì trét . Hai vợ chồng làm hì hục đến chập choạng tối mà vẫn chưa xong. Đang lúc dở tay trét đất thì anh chồng buồn tiểu trầm trọng. Không thể cố nhịn được nữa, anh nói với chị vợ:

– Săp xong rồi mà phải đi rửa tay thêm một lần phức tạp quá, vả lại cũng nhá nhem túi rồi, em giúp anh cởi khuy quần để anh “dốc bầu tâm sự” cái.

Là vợ chồng nên chị vợ cũng chẳng ngần ngại, mà chồng nói cũng có lí. Thế là chị giúp anh cởi cúc quần lôi “chú em” ra xả nước. Của đáng tội, xong việc “chú em” do dược kích động nên “nổi máu hung hăng trương vi trợn mắt” làm chị K. không cách gì đẩy chú vào vị trí cũ được. Loay hoay một chặp, anh chồng bảo:

– Em cứ vặn cổ em nhét nó vào cho anh.

Thật không may cho hai vợ chồng anh C., mệ T. nhà ở sát đó lại nghe được. Càng không may hơn nữa, tối đó mệ T. bị mất con gà trống, vì thế, mệ đinh ninh là hai vợ chồng nhà đó đã bắt thịt con gà của mình. Mệ T. liền đến báo với anh H. phụ trách an ninh xóm, mệ kể lại cho anh H. những điều mình nghe được.

Sáng hôm sau, anh H. gọi hai vợ chồng anh C. đến và yêu cầu anh chị phải bồi thường cho mệ T. Hai vợ chồng một mực kêu oan. Khi anh H. hỏi về điều mà mệ T. kể lại thì anh C. ấp a ấp úng, còn chị K. thì đỏ mặt vẻ rất ngượng ngùng. Cuối cùng buộc lòng anh C. phải kể lại đầu đuôi sự tình. Nghe xong câu chuyện, anh H. còn chưa biết xử ra sao thì mệ T. xộc xộc chạy đến:

– Chú H. ơi, con gà cồ của tui hôm qua nó đi theo mái, sáng ni nó về rồi. O chú ấy không ăn trộm mô.

Anh H. cười rồi cho hai vợ chồng về, nhưng khi chi K, đi ngang qua, anh H. còn kịp nói nhỏ vào tai:

– Hôm nào chồng đi vắng, nếu cần trét mên đất cứ sang nhà anh.

Hải Trần ® 10.03.2010 04:19


Giữ đúng lời hứa với các độc giả trẻ LLS, Hải Trần xin được phục vụ các bạn trẻ một số chuyện vui của làng mình nhân dịp “cá tháng tư”

1.      YÊU CHÂN CHÍNH

Có anh L. ở xóm Bàu, ra tán cô H. ở Thượng Phủ, đã đi lại quá nhiều mà ông bố vợ tương lai vẫn còn ủng ẳng, chưa chịu gật. 

 Bữa đó, anh quyết định mạnh dạn đến nhà để thưa chuyện với ông bố. Lúc vào nhà người yêu, anh ta thấy ông bố đang ngồi ở bàn một mình, bà mẹ thì đang nằm nghỉ trên dường còn mấy đứa em thì đang xem tivi. Anh L. cất tiếng :

–         Chào bọ mạ! Bọ mạ có khỏe không ạ ? Ông bố lườm lườm:

–         Mi hỏi để vật à?

Anh L. lẳng lặng ngồi xuống bàn và rót nước.

–         Mời bọ uống nước ạ!

–         Nước của tau chơ của mi mô mà mời.

Anh L liền rút gói thuốc thơm đã chuẩn bị sẵn trong túi ra mời:

–         Mời bọ hút điếu thuốc cho thơm miệng.

–         Vây chơ tau không hút thuốc mi thì mồm tau thúi à?

Thấy tình hình bất ổn, anh L. liền đi thẳng vào vấn đề:

–         Thưa bọ mạ! Con yêu em H. nhà ta rất chân chính. Mong bọ mạ cho phép chúng con được tác hợp thành đôi lứa ạ. Ông bố lại gằm gằm:

–         Chân chính thì tau không sợ, chỉ sợ cái “chân phụ” của mi thôi.

Biết là không xoay chuyển được tình hình, anh L. đứng dậy:

–         Thôi, rứa thì mạ nằm, bọ chơi, các em coi, con về. 

2.      TÓM TẮT ĐI CHÚNG MÀY ƠI

   Anh C. ở xóm Bàu Sỏi yêu cô T. ờ xóm Phúc Tự. Hai enh ả tâm đầu ý hợp lắm rồi nhưng ông bố cô T. vẫn muốn thử thách thêm cậu rể tương lai nên chưa gật đầu.

   Bữa đó anh C. hẹn với cô T là trưa mai anh sẽ sang thưa chuyện với bọ cho dứt điểm nhưng cô T. bảo không được, vì trưa mai cô mắc bận cùng với bọ đánh rơm lên chuồng trâu. Anh C. cười : “ Thế càng thuận lợi, em cứ làm theo anh, nhất định ngày mai bọ sẽ đồng ý cho em xem”.

   Trưa hôm đó, khi ông bố trèo lên ràn trâu còn cô T. thì đứng dưới đưa rơm lên, giữa chừng, anh C. đến rồi gọi cô T. vào nhà trò chuyện khá lâu.

   Ngồi trên ràn trâu, vừa nóng, vừa xót xáy, ông bố chụi không nổi bèn ló đầu ra kêu:

–         Hai đứa bay tóm tắt đi cho tau nhờ với, tau sắp chết ngạt rồi đây.

Cô T. theo sự chỉ đạo của anh C. nói vọng ra:

–         Vậy chớ bọ có đồng ý không để tụi con tóm tắt?

–         Không đồng ý để tụi bay cho tau chết ngạt trên ni à. Bảo với nó ngaỳ mai mời hai ông mệ trong đó ra bàn chuyện.

Khi chia tay, cô T. nguýt yêu C. một cái rõ dài:

–         Chưa phải là rể mà đã chơi khăm bố vợ. Nay mai chắc hết biết luôn!

3.      ĐÁI CON TO HƠN TRÔÔC BỌ

   Anh T. ở Lệ Sơn lấy cô T.ở Tiến hóa, nhân một hôm rỗi, anh đạp xe lên thăm bố mẹ vợ và hy vọng có một bữa nhậu, vì nhà bố mẹ vợ chuyên nấu rượu mía.

   Vừa thấy mặt con rể, ông bố mừng rơn:

–         Ồ may măn và quý hóa quá, bọ đang định đào mấy cái hố để trồng khoai lộ ( khoai tía). Con ra giúp bọ một tay.

Thế là rượu đâu chưa thấy, lại phải đào bốn năm cái hố mệt bở hơi tai. Khi đào xong, hai cha con cùng đem giống ra trồng ( mà trồng khoai lộ các bạn có biết không? Có hai loại giống để trồng: thứ nhất, dùng cái đầu của củ khoai mà khi thu hoạch người ta cắt ra rồi chấm mun chờ đến mùa mang nó ra trồng. Cách thứ hai, dùng quả của cây khoai lộ mà bà con mình gọi là “đái khoai lộ”)

   Anh T.vì bị ép đào hố nên muốn chơi xỏ bố vợ, liền gọi bố:

–         Bọ coi nì, đái con to hơn trô ôc bọ!

   Ông bố biết nó xỏ mình, nhưng đành chịu vì quả thực đúng thế thật.

4.      LỌ PÊ-NI-XI-LIN

   Có anh rể đến nhà bố vợ chơi, quý con, ông lôi ra một chai bảy rượu và hỏi:

–         Con có uống rượu được không? Anh rể từ tốn:

–         Con không hay rượu chè đâu bọ, chỉ cần uống một lọ pê-ni-xi-lin là con say rồi. (là cái lọ đựng thuốc pê-ni-xi-lin khoảng 50 ml).

–         Thế cũng tốt, thôi, uống bao nhiêu tùy con.

Chỉ mới một chặp, hai cha con đã túc tăc hết cả chai bảy. Ông bố đứng lên mở tủ lục tìm. Thấy vậy, chàng rể hỏi:

–         Bọ tìm chi rứa?

–         Tau nhớ là còn một lọ pê-ni-xi-lin nữa, lấy ra hai cha con ta cưa nốt.

5. ƯU LỚN, KHUYẾT NHỎ VÀ ƯU NHỎ KHUYẾT LỚN

Anh M. con ông L. ở xóm Bàu làm bí thư chi đoàn thôn. Bữa đó, cuộc họp chi đoàn được tổ chức tại nhà anh M. Đề tài tranh luận tại cuộc họp là nói về sự tiến bộ của phụ nữ làng mình trong thời kỳ đổi mới.

  Rất nhiều ý kiến tranh luận. Nào là phụ nữ làng ta có nhiều người học vấn cao, rồi thì nhiều người có địa vị trong xã hội, rồi nữa, nhiều người biết làm giàu v.v..và v.v..

  Lúc đó ông L. đang nằm đung đưa trên võng liền thủng thẳng góp ý:

–         Theo tau thì phụ nữ nói chung và lang ta nói riêng đều có hai cái ưu lớn và một cái khuyết lớn. Nhưng mà trong hai cái ưu lớn lại có hai cái khuyết nhỏ. Ngược lại, trong cái khuyết lớn lại một cái ưu nhỏ. Đó là những gì tụi bay biết không? Hai cái ưu lớn là nuôi con khỏe, dạy con ngoan, cái khuyết lớn là sinh đẻ không có kế hoạch cho lắm. Còn trong hai cái ưu lớn lại có hai cái khuyết nhỏ đó là đôi khi chiều chuộng con một cách thái quá và hay bắt nạt chồng. Trong cái khuyết lớn, có cái ưu nhỏ đó là phụ nữ ta luôn biết nghiến răng chịu đựng về đòi hỏi của chồng. Nhưng mà tau nghĩ, điều tiến bộ nhất của phụ nữ ngày ni là đứa mô cũng mặc quần chạc địu, không như bọn xoa ngày xưa, chị em toàn mặc quần chạc rút. Chà đêm hôm mà lần cho ra chạc ngắn, chạc dài toát mồ hôi, mất cả tiếng. Mà không khéo rút lộn chạc thì coi như đêm đó gác kiếm.

–    Tụi tui đứa hiểu , đứa không hiểu nhưng ai cũng phục ông L.trạng rất thông minh.

Hải Trần® 10.03.2010 04:19


Nhân ngày lễ trọng đại của chị em, Hải Trần xin được giới thiệu cùng độc giả LLS một tiểu phẩm đẻ “lì-xì” chị em và cánh anh em ta cùng giải trí và cùng suy ngẫm

Nhân ngày QTPN 8-3, theo sáng kiến của các Cụ bà lớn tuổi nhất làng Lệ sơn, chị em phụ nữ Lệ Sơn tổ chức một cuộc thi đẻ tìm ra “Người đàn ông thông thái và tâm huyết nhất với quê nhà.
Theo Điầu lệ thì điều kiện thí sinh dự thi phải là đàn ông, tuổi từ 18 đến 35 và nhất thiết phải là người đang sinh sống tại Lệ Sơn . Thành phần ban giám khảo phải toàn là nữ, không phân biệt tuổi tác.
Sau một thời gian sơ khảo, vồng chung kết diễn ra đúng đêm 8-3 tại hội trường Nhà văn hóa xã. Lọt vào vòng chung kết có năm anh đại diện cho năm thôn xóm: anh Cao đại diện cho Lê Lợi,(mang số báo danh 01), anh Nguyễn – xóm Bàu,(02), anh Bùi- Phúc Tự, (03) anh Phan – Xuân Tổng (04) và anh Phạm – Hạ Trang , (05). Ban giám khảo gồm ba chị tuổi tầm như nhau khoảng trên dưới 30, không đại diện cho xóm nào và do toàn thể chị em phụ nữ làng bầu chọn., gồm: cô Lương, cô Lê và cô Trần. Cô Lương có vẻ toàn diện hơn cả, được cử làm trưởng ban.

Đêm chung kết, hội trường NVH dược trang hoàng rất lộng lẫy, không thua kém là mấy so với các cuộc thi Hoa hậu hoành tráng. Hội trường chật ních khán giả, đủ mọi thành phần, lứa tuổi. Sau khi tiiến hành các thủ tục cần thiết cuộc thi chính thức bắt đầu.

Cô Lương đại diện cho BGK đọc lời khai mạc:
– Thưa bà con, cuộc thi hôm nay do chị em chúng tôi tổ chức nhằm mục đích là để tìm ra một chàng trai làng xuất sắc nhât trong vô vàn những chàng trai xuất sắc của Lệ Sơn đang làm ăn ,sinh sống tại quê nhà để khỏi mang tiếng là trai làng mình chỉ ưa xuất ngoại chứ không muốn ở lại để xây dựng quê hương. Bởi vậy, ngoại hình của các thí sinh không đặt thành vấn đề vả lại trai làng ta ai mà chẳng phong độ, cuộc thi chỉ yêu cầu về những hiểu bíết sâu sắc và lòng tâm huyết sắt son của các chành trai thông qua việc trả lời các câu hỏi của Ban giám khảo. Tất cả có ba câu hỏi, các thí sinh phải lần lượt trả lời về một đề tài như nhau theo kết quả bốc thăm. Cuối buôỉ thi BGK sẽ bỏ phiếu kín để tìm ra người thăng cuộc. Ai giành giải nhất sẽ được cử làm trưởng ban giám khảo cuộc thi “ Ngươi con  gái Lệ Sơn duyên dáng và thành đạt, dự kiến sẽ được tổ chức vào cuối năm nay, vào dịp ngầy lễ của đàn ông. Xin lưu ý:sau khi thí sinh trả lời câu hỏi, BGK được quyền yêu cầu thí sinh giải thích bổ sung cho những gì TS trả lời. Tôi xin đọc câu hỏi thứ nhất:
– Bạn hãy cho biết: Làng Lệ Sơn ta đã từng nổi tiếng về cái gì. Mời thí sinh có SBD 02.

–  Thưa BGK, theo em thì Lệ sơn ta trước đây nổi tiếng về con gái đẹp.
Cả ba cô giám khảo thoáng vẻ hơi khó chịu về câu trả lời. Cô Lương trợn mắt:
– Vậy hiện tại thì sao?
– Dạ hiện tại cũng đẹp nhưng không bằng trước đây, âu điều này cũng phù hợp với cơ chế thị trường mà thôi. Cũng giống như trước đây chúng ta có rất nhiều tôm, cua đặc sản nhưng giờ họ xuất khẩu hết để thu ngoại tệ, chỉ còn lại toàn chắt chắt với rop róp thôi.ạ.

 Đủ rồi, mời thí sinh có SBD 03
– Thưa BGK, Lệ Sơn ta xưa nổi tiếng về Cam Voi.
– Thế tại sao giờ không còn?
– Dạ, cũng là vì cơ chế thị trường thôi ạ, họ thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi giống như: cao su lên giá họ chặt cà phê để trồng cao su, rồi hồ tiêu  lên hương họ lại chặt cao su thế thôi.
– Không được thuyết phục cho lắm. Mời SBD 05.
– Dạ thưa BGK kính mến!  Theo em được biết thì trược đây Lệ Sơn mình rất nổi tiêng về cây chùm bỏi.
– Vậy sao giờ nó tiệt nòi?
– Dạ, cũng tại cơ chế thị trường biến cây chùm bỏi thành mấy bộ lộc bình, bán được hàng chục triệu, trong khi một thúng chùm bỏi chỉ có giá mấy chục nghìn thôi ạ.
– Câu trả lời của anh cũng không có gì mới. Đề nghị Thí sinh số 01 trả lời.
-Theo em, làng mình xưa còn nổi tiếng với loại trù lèn nữa ạ.

Một vị giám khảo có vẻ ngơ ngác::
– Trù lèn là cấy chi?
-Dạ cũng vì am hiểu như Vị GK kia nên trù lèn mới mất giống đó ạ.Với lại, bây giờ cơ chế thị trường, người ta đi cưới hỏi bằng “cây, chỉ” chớ ai đi trù cau nữa đâu ạ.

Cô trưởng BGK nhắc:
– Đề nghị thí sinh không dược bình luận về BGK khi trả lời câu hỏi. Mời thí sinh cuối cùng SBD 04.
– Dạ thưa BGK, sẽ là thiếu sót nếu nói đến những cái  trước đây của Lệ sơn mình mà không nhắc đến giống nếp luột ạ.
– Được lắm, vậy bây giờ nó đâu?
– Dạ chả là vì do dân mình thiếu kinh nghiệm trong canh tác. Lẽ ra phải giành một khu biệt lập để gieo giống lúa quý naỳ, đằng này dân ta lại gieo cạnh những ruộng lúa khác. Đến mùa giao phối, cánh đàn ông của lúa lòn sang tình tự với lúa nếp thế là tạo ra giống gạo pê-đê, nếp cũng chẳng ra nếp, lòn cũng chẳng ra lòn. Dân mình còn gọi đùa là “nếp thìa” (ăn phải dùng thài để xúc), hay có tên gọi khác là “nếp tớp” ( Khi xúc lên ăn hay bị rơi phải nhảy theo để tớp) , Rồi thì cơ chế thị trường cho nhập về hàng chục thứ nếp ngoại, ai còn cần đi chăm sóc cây nếp lụa khó tính chi cho mệt,

Hết vòng một BGK có vẻ không hài lòng lắm với các câu trả lời của thí sinh và đặt hi vọng vào vòng hai. Câu hỏi của vòng hai là: Làng Lệ Sơn ta tương lai sẽ nổi tiếng về cái gì? Anh thứ nhất cho đó là Nhà máy xi măng Hạ trang, anh thứ hai thì kẳng định: Đó là cầu Chợ vang, còn anh thứ ba thì thì đinh ninh răng trong tương lai làng ta sẽ là một khu du lịch sinh thái hấp dẫn, anh tiếp theo lai chắc như đinh đóng cột: làng mình nhất định sẽ xây dựng một cái điình làng mới khang trang và hoành tráng hơn cả cái đình mới khánh thành dưới Ba đồn. Anh cuối cùng lại nghĩ khác, Lệ sơn ta rồi sẽ nổi danh nhờ một nhgề truyền thống nào đó ,v. v..

Ban giám khảo lộ vể thất vọng thực sự về các thí sinh nên muốn kêt thúc nhanh cuộc thi, Cho nên, BGK không cần nhận xét sơ kết về hai vòng thi mà nêu luôn câu hỏi thứ ba:
 – Làng Lệ Sơn ta hiện tại nổi tiêng về hững gì? Xin mời SBD 01.
– Thưa BGK hện tại làng ta đang nổi tiêng về trang web langleson.com. đáy ạ, qua trang này mà thiên hạ hiểu mình và mình thêm hiẻu mình.
– Được lắm! Mời SBD 04.
– Dạ thưa, làng Lệ sơn ta từ xưa và hiện nay đèu rất nổi tiếng về sự hiếu học, đỗ đạt và công danh.
– Đúng lắm! Mời TS số 05.
– Thưa, Lệ Sơn ta xưa nay nổi tiếng về lòng mến khach, con cháu hiếu thảo. Dù đi đâu, ở đau, ai ai cũng mộy lòng, một dạ hướng về quê hương, dõi theo quê hương.
– Giỏi lắm. Xin mời ý kiến của TS  03.
– Dạ! Theo em thì niềm tự hào lớn nhất của làng mình là làng có số lượng giáo viên đông đảo, tỷ lệ số “Kỹ sư trồng người” của Lệ Sơn mình tính theo số dân cư thì phải đứng đầu cả nước chứ chả chơi.
– Một phát hiện hay lắm. Thí sinh cuối cùng có phát hiện nào mới không?
– Dạ , dạ….
– Nói đi, có gì mà ấp úng vậy? Cô Lương nhắc.
– Dạ thưa BGK vô cùng kính mến! BGK cho phép em nói những điều từ đáy lòng mình được không a?
– Nghĩ thế nào cứ nói vậy có gì mà phải rào trước đón sau.
– Vậy thì theo em, Lệ Sơn ta đang nổi tiếng về những điều đang lồ lộ trước mặt tất cả chúng ta đó a.
– Nói vậy nghĩa là sao?
– Đó là những người mẹ, người vợ, những cô Tấm thời nay của làng vừa đẹp ngừoi, đẹp nết, biết tần tảo, lo toan , hy sinh cho gia đình, quê hương và cho xã hội, Quê hương ta được như thế này, chúng em được dạy dỗ nên người thế này, công đầu phải thuộc về phụ nữ làng ta mà điển hình nhất là ba vị giám khảo vô cùng đáng trân trọng đang ngồi trước mặt chúng em đấy a .
Không ai bảo ai, cả ba cô giám khảo đều vỗ đùi đánh đét rồi cùng đứng dậy vỗ tay đôm đốp.
Cô Lương, trưởng BGK đứng lên tổng kết:
– Kính thưa quý vị! Quý vị thấy không? Chúng ta không nên nuối tiếc quá khứ, không quá hi vọng xa thực tế về tương lai mà chúng ta nên và cần phải tự hào về cái mà tôi đang có, à quên, xin lỗi, mà chúng ta đang có. Đẹp lắm, quý báu lắm! Con gái con trai Lệ Sơn ta vẫn sẽ và mãi mãi là trai tài gái sắc, nam thanh nữ tú.
Kết thúc cuộc thi anh phóng viên Lương Duy Cường  đến gặp anh Nguyễn- thí sinh xóm Bàu đoạt vương miện và hỏi:
– Sao chú mày có câu trả lời xuất sắc thế?
– Thú thực, chẳng giấu gì anh, có mấy câu em định trả lời thì mấy cha trả lời trước nói hết rồi. Với lại, khi đó nhìn thấy  ánh mắt “ hình viên đạn” của bà Lương chằm chằm nhìn em, hoảng quá,em phán đại vậy thôi, ai dè gãi trúng chỗ ngứa của mấy bà !!!

Hải Trần® 02.03.2010 01:05 


Những câu chuyện tiếu lâm gần đây trên facebook của anh:

TÌNH YÊU ĐẾN RỒI …ĐI
 
(Thư giãn)
Hai anh bạn lâu ngày gặp nhau, ngồi nhâm nhi ly cà-phê.
Một anh hỏi:
-Cậu có vợ con chưa
-Rồi, một nhóc hai tuổi. Còn cậu ?
– Vẫn đơn bóng lẻ loi, số mình sao ấy , tình yêu đến lại đi ! Buồn và tốn kém vô bổ lắm cậu ạ!
– Sao vậy? Cậu phong độ hơn tớ mà !
– Vấn đề là lẻ chỗ đó đấy !
-Chắc nhiều em quá nên kén chọn chứ gì ?
- Được thế đã may, đằng này chỉ có một em thôi .
– Cậu nói, tớ đếch hiểu! Sao bảo cứ đến lại đi ?
– Thì đúng vậy mà ! Nó đến ngồi được năm phút nó lại đòi đi ! Hôm thì nhà hàng, hôm thì đi biển, đi rừng, đi du lịch, đi cà-phê, xi-nê…Hôm qua thôi nó rủ, mình không đi nữa, nó nói:
-Anh không đi nữa thì em đi .
-Đi đâu ?
– Đi…lấy chồng !!!
– Thế là lại tiếp tục đi, ai đó nói câu “Hạnh phúc là những chuyến đi” làm hại cánh đàn ông chúng mình !!!
 
ĐẶC SẢN LỆ SƠN TUI !
 
Khi nói về đặc sản quê tui, ai cũng nghĩ đến cam voi,chùm bỏi, trù lèn…
Nhưng có một “đặc sản” về ngôn ngữ mà không đâu có: đó là phát âm chữ CH thành chữ X ! Như :con xuột, nải xuối , cái xi…
Tui nói là “đặc sản” vì khi nghe cái giọng đó ai cũng biết đích thị là ngài Lệ Sơn !
Có một điều, ít ai biết tại sao có cách phát âm đó ? Ai biết giải thích giùm coi.
 
CHUYỆN CHỈ LỆ SƠN MỚI CÓ
 
(Chuyện thật 100% nhưng cho phép tôi giấu tên nhân vật)
1. Ông C (ở thôn phúc Tự) nổi tiếng vì hay nói trạng. Con gái ông đứa nào cũng nghiêng nước , nghiêng thành có lẽ nhờ tính cách của ông ấy!
Có một lần ông bị ốm, vợ và các con lo cuống quýt, nấu gì ông cũng kêu đắng miệng không ăn. Thổ đặt mãi ông mới nói:
-Ngoài nương có cơn cam bù, ra lắt một trái, cắt tư ra rồi đưa cho ba bốn miếng., còn bao nhiêu đó thì mạ con bây ăn !
2- Ông Kh. ( cũng ơ Thôn đó ) làm bí thư nên chiều tối hay đến các nhà trong xóm để…truyền đạt đường lối.
Đến bữa tối mấy đứa con réo:
– Bọ ơi ! Về ăn khoai !
Ông ta nhắc mấy đứa con:”ăn chị cũng được, nhưng nói ăn khoai làm chi, cứ nói về ăn cơm là được !
Hôm sau, ông đang ngồi bên hàng xóm, đứa con gái réo:
– Bọ ơi, về ăn cơm! Nhưng về mau chơ khống hết cổ to !
 
CÁM ƠN CON MUỖI
 
(Thư giãn)
Anh chồng đi nhậu về muộn, thấy vợ ngủ rồi, anh nhẹ nhàng nằm xuống bên cạnh để không đánh thức vợ.
Bỗng nhiên có con muỗi đốt vào chân. Anh chồng đập bép làm vợ anh tỉnh giấc:
. Anh làm gì vậy?
– Anh đánh con muỗi, nó đốt anh
– Em cũng bị nó đốt, sao anh không đánh nó giùm em? Anh ích kỷ bỏ xừ
– Nhưng anh sợ làm đau em!
– Anh yêu và quan tâm em thì đau mấy em cũng thấy vui!
-Thế khi nó đốt chỗ nào em cứ nói, anh trị nó cho
Năm phút sau, cô vợ câm tay chồng đặt vào chỗ nào đó và nói:
– Nó đang đốt chỗ này anh ơi!
Chỗ đó là chỗ nào, mọi người thử đoán xem! Trả lời đúng tui cam kết trả cho một tháng tiền điện thoại
( Câu trả lời ít ai ngờ tới! Con muỗi đậu vào má cô vợ, anh chồng liền giang một cái tát nảy đom đóm luôn , Hi , hi ! Tui cũng hài hước bà con hè! )

Để lại một bình luận