Bài viết Cảm xúc - Kỷ niệm về Lệ Sơn

MÙA HOA SẠU – Phần I -Tác giả: Lai Văn Thế

Được đăng bởi Người Lệ Sơn

Lời BBT:
Anh mới xuất hiện thôi,…. nhưng tình cảm và những kỷ niệm về quê Mẹ, luôn chất đầy trong Anh dù ở phương trời xa lắc. Bằng giọng văn sắc sảo và hóm hỉnh. Những câu chuyện rất đỗi con người Lệ sơn lại dần hiện về vi vu, như gió Lào đầu mùa thổi qua cánh đồng Chăm mát rượi. Mơn man như níu đôi chân Dì Út dừng lại, ngắm nhìn ” ống khói mới nhả vào trời xanh”……Trân trọng giới thiệu toàn phần của MÙA HOA SẠU tới quý độc giả thưởng thức.

Phần 1

Rồi một ngày nào đó, LLS không còn những cánh đồng ngô (bắp, sạu) nữa. Cũng như Hung Tắt đã vĩnh viễn mất đi cánh đồng khoai lang bạt ngàn… Nhớ mần chi, đó là quy luật! Không biết khi nào, Đồng Chăm sẽ trở thành khu công nghiệp nhỉ? Dù chưa nắng Hạ, xin cứ Hoài Xuân như cách nói của Xuân Diệu, phỏng có được không? Vậy là tôi bắt đầu nhớ bãi ngô Đồng Chăm, dù sau trận lụt lịch sử này, biết đâu ngô đồng Chăm lại sẽ xanh tươi hơn, mùa hoa ngô sẽ vô cùng lãng mạn, như một câu chuyện tình trễ muộn. Ai là người LLS, có muốn nghe chăng?

Chuyện xảy ra, đã mười mấy năm rồi.

Tiết trời cuối Xuân se se mà dịu ngọn, con đường Hồ Trên khấp khểnh đáng yêu. Lúa đang thì con gái, IR30 hay Hồng Ngự mà mật non thơm lạ thường? Quảy cái Bội trên vai, cái liềm trên tay đung đưa chém gió, Dì Út Đỏ hăm hở nhằm hướng Đồng Chăm thẳng tiến. Rộn ràng những bước chân trần, hai vạt áo lụa màu đen, tuy đã cũ nhưng vẫn vui tươi vẩy ve với gió, nón lá trắng tinh, má lại hây hây. Ai giám bảo Dì Út Đỏ đã ngoài năm mấy hạ vàng! Gần trưa, đám trẻ bắt đầu ngả ngớn lưng trâu ngược về Đình Miệu, thì Dì Út Đỏ lại đi cắt cỏ muộn. Nắng vàng, mà nắng cuối xuân nào có thấm mồ hôi, phía trước lại là Đồng Chăm, là bạt ngàn của những Hoa Sạu vàng hơn nắng, gợn sóng, gợn sóng như Xuân Quỳnh…

Dì Út Đỏ không biết mình cảm thấy yêu mến Đồng Chăm tự khi nào? Và hình như không thật sự là Dì đã có thắc mắc nào tương tự. Vì Dì yêu hết thảy những cánh đồng làng Lệ Sơn. Tại vì chưa có dịp để Dì nhận ra, hay tại Dì quên những yêu thương nào đó mà chưa từng cảm nhận? Thật ra, hơn ba mươi năm gắn với ruộng đồng Lệ Sơn, tình yêu của những người như Dì Út Đỏ dành cho đất đai, đồng ruộng đã hoá thành sự bình thường trong lao khổ nhọc nhằn. Nào Mái Đình Thánh cỏ Lìa Thia dày hơn thảm Ba Tư, cuốc bằng cuốc Xỉa, lôi trẹo lưng quần. Nào đất Nác Sốông vỏ ốc lẫn cát già, cắm cây mạ tróc cả móng tay. Bồ Bồ nước ngập lưng quần, đỉa to như ống nứa. Đồng Mua, Cồn Én ruộng vại đất hòn to như cái oi, tùi vồ sức trai đập ba phát mới vỡ một cục… Mồ hôi, máu và hạnh phúc quện vào thành những tên đồng, tên hố. Đồng Chăm cũng vậy thôi. Một mùa lúa vại làm thật ăn chơi, vượt con nước dữ; một mùa trỉa Sạu, phân bón đen rễ mới có báp to. Nhưng cái sự sướng vui của mùa thu hoạch sao chẳng thấm vào đâu so với niềm háo hức của rực rỡ hoa vàng dày bụi phấn đương vẫy gọi? Có lần, Dì Út Đỏ đã bẻn lẽn cười một mình trong khi tẩn mẩn đưa cái liềm gọt gọt đôi móng tay dày cộp, đen sì.

Dì Út Đỏ đến làm dâu làng Lệ Sơn đã hơn 30 mấy nằm rồi. Nhân duyên như trời định. Nhớ cái thuở mười mấy xuân hây hẩy, trời gét Dì nên ban cái má hồng và cặp mông biết nói. Xong lớp 7, Dì vào Sư phạm. Vì cái thứ trời ban và cũng tại Dì mơ mộng, nên anh giáo sinh thực tập có vợ chạy mắm Quảng Hoà để y đến Dì. Cái thời quần phíp lưng thun nào ai biết chữ ngờ ưa ngưa huyền ngừa! Nhà trường đuổi học, anh giáo dục vợ quảng gánh mắn theo đoàn Nam tiến. Nửa mơ nửa tỉnh, Dì gửi kết quả mối tình hờ cho bọ mạ, theo mối mang đến Làng Lệ Sơn gá nghĩa với chú Sáng Phơ. Chú Sáng Phơ, cái tên như Nam Bộ mà bản tính hiền hơn cục đất xóm Bàu; cũng đã một đời vợ và một đứa con thơ. Hai người gặp nhau bằng một chữ Chấp nhận. Rồi Hợp Tác Xã, rồi hạn hán, rồi lụt lội và những đứa con kéo nhau ra đời, cuốn phăng đi của Dì Út Đỏ ba mấy năm như một chớp mắt, trong đó, không có chỗ cho những trăn trở riêng tư. Đến cả việc nghĩ tới đứa con đầu và bọ mạ cách Làng Lệ Sơn không xa, Dì cũng chưa kịp tính đến. Bọ mạ của Dì ra đi như hàng ngàn cụ già neo đơn của mãnh đất cằn Trung bộ; giọt máu đầu cũng cuốn theo cuộc trôi nổi mưu sinh đâu đó thật xa xôi. Chỉ còn Dì Út Đỏ biết mình đã gắn với đất làng Lệ Sơn như tự nhiên của bao phận đời, hay Dì đã sinh ra và lớn lên tại cái làng quê yêu dấu này thì phải? Dì cũng ít mà nghĩ tới.

Bốn đứa lớn đã kéo nhau vào Nam, hình như có sự móc nối dẫn dắt dì đó giữa tình máu mủ của người anh trước. Thôi thì cũng tốt, chúng nó đã có cái ăn, và dĩ thường cũng sẽ lập nghiệp được. Còn đứa gái út năm nay ngoài 16 tuổi, chắc không tốt nghiệp hết cấp III. Mà có tốt nghiệp được thì khó mà học lên cao hơn. Sức lực con gái thì Dì biết rõ. Tuy không lập luận cao siêu, nhưng linh cảm cho Dì cái nhận xét đắng cay rằng: con Tuyên giống Dì đáo để! Nhất là cái má hồng và cặp mông ve vẫy ngày xưa. Nó không đẹp để mơ màng xa xôi, nhưng sự bóng bẩy đã dần rõ nét. Kệ nó, đời bây giờ văn minh. Dì tự tin mà rằng, chúng nó sẽ khá hơn mình. Hay bản tính ít suy nghĩ của Dì, khiến cho Dì trở nên vô tư như thế. Mà đúng là Dì Út Đỏ có tính vô tư thật. Từ ngày Dì Út Đỏ hết bớt cái nỗi lo con cái, thì cuộc sống giữa cái làng Lệ Sơn này cũng có nhiều thay đổi vượt bậc. Đời sống giáo viên, bộ đội được nâng cao nhờ lương bổng, mà lạy trời, đất Lệ Sơn có gần nữa số dân làm hai cái nghề chân chính ấy. Nhà Dì không có ai làm giáo viên hay bộ đội xuất ngũ, nhưng mà may, chú Sáng Phơ bổ túc được  hồ sơ bệnh binh; cộng với hoa màu lúa má ngoài đồng, đời sống nhà Dì Út Đỏ, nhìn lên còn thua xa nhà Ông giáo Lương, nhà bác cu Dần, nhưng nhìn lại thì đã gấp bội bội lần cuộc sống của chính Dì mười mấy năm về trước. Chỉ cột kèo ba gian ngói đỏ, nhưng cái nền đã lát được gạch men trưa hè mát rượi, lại cả chiếc tivi màu 14 inc thằng Phúc (con riêng chú Sáng Phơ) mua cho năm ngoái. Thế là sự đổi thay lớn nhất khó mà tưởng tượng của đời nông thuần Lệ Sơn riêng đối với Dì là đây: Nếu sáng sớm chú Sáng Phơ đi đốt thêm miếng rậy trong nát Chầm Bỏi (để vại cải cho vui), hay chập tối con Tuyên đi chơi bạn, một mình Dì rảnh tay chân lại có thể nằm xiểng nền gạy men xem truyền hình! Mà truyền hình bây giờ phong phú lắm. Không giống như phim của Đội chiếu bóng lưu động Số 7 một năm về bốn lần ngày trước, toàn là phim chiến đấu hà rầm. Ti vi bây giờ nhiều phim ảnh, Âu, Á, Mỹ, và cả Việt Nam nữa, nó hôn nhau mới say đắm làm sao! Ai xem vài ba tuần đầu cũng phải đỏ mặt chết sượng, lâu lắm mới quen được. Mà cũng quen khi xem một mình thôi, chứ xem cùng con gái, hay xem với chú Sáng Phơ thì xấu hổ lắm. Trước đây con đông, ruộng nhiều, nhà Dì nuôi trâu cho bạo sức cày, nhưng mà cực. Trâu ăn nhiều, đái ỉa bẩn, vườn tược lúc nào cụng lem nhem hôi hám. Chứ bây giờ, chú Sáng Phơ bán hết trâu rồi, chỉ nuôi anh bò tơ lấy kiểng. Bò bây giờ cũng khác bò ngày xưa, thích thì cho ra đồng đổi gió, không thì để ở nhà băm mấy gốc chuối trộn cám ăn thay lợn. Vì cả làng ít nhà nuôi lợn. Và khi vui, Dì Út Đỏ có thể quảy cái bội đong đưa đi cắt cỏ. Cắt cỏ, giờ như một thú vui dưỡng sinh hơn là cái sự bộn bề đồng ruộng. Bởi thế, việc Dì Út Đỏ quảy bội trên vai, mà lại ve vẫy cái liềm đi bước kiệu, thì không phải là sự lạ, ít người mà để ý.

Bước qua con lộ lớn ngăn cách Hồ Trên với Đồng Chăm, Dì Út Đỏ cẩn thận hơn khi phải men ngang cái dường ruộng lúa to bằng cái lẻ xà. Hết đám ruộng bằng tám mảnh chiếu chắp ngang, Dì đã đụng ngay bẹ lá Sạu đầu tiên; lá Sạu ngang mặt, bông Sạu ngang đầu, quen tay, Dì Út hạ cái Bội xuống xách kẹp sát người, cái liềm cũng đã nằm trong cái bội, nơi bàn tay phải. Còn tay trái, Dì đỡ nhẹ những lá Sạu làm lối đi.


….. còn tiếp

Để lại một bình luận