Bài viết Cảm xúc - Kỷ niệm về Lệ Sơn

MÙA HOA SẠU – Phần III -Tác giả: Lai Văn Thế

Được đăng bởi Người Lệ Sơn

Chiều hôm qua O Cảnh chuyển đến cho Trung một lá thư . Sao mà tả xiết cái sự run rẩy của kẻ si tình đơn phương! Ngoài bì thư, nơi “from” đề dòng chữ “xa quê… Đại học sư phạm Huế”. Trung sướng rân, anh nhảy bước đôi, chạy ra tít cội cơn Da gần nhà mở thư đọc. Thì đây, là bao nhớ thương thấp thỏm, là của bao đợi chờ, ít cũng đã nửa tháng rồi còn gì? Chục thư đi, may có một thư về. Mà thư đi vừa rồi, Trung đã liều mình hỏi Huệ một câu. Gửi thư đi rồi, anh mới thấy lo, và còn nghĩ là dại.

Người nữ sinh văn khoa chốn kinh kỳ viết thế nàyTrung vô cùng thân mến của Huệ! Trung có biết là đã làm cho Huệ khổ sở thế nào suốt hai tuần qua không? Hơn mười lần cầm bút để viết cho Trung, mà không thành thư được. Là vì Huệ không biết nói sao đây! Nói sao để gần 20 mươi năm của chúng ta không thành vô nghĩa? Nói sao để Huệ còn trở về Lệ Sơn trong niềm vui vô tư phấn khởi? Huệ làm sao quên được Trung, như quên được chính làng quê với bao người thân yêu gần gụi? Xin cảm ơn Trung vì tất cả, vì hai mươi năm như Trung đã nói trong thư. Huệ cũng không quên con đường làng đầy “mắm dỏ” mỗi khi chúng mình đi học mùa mưa phùn. Không bao giờ quên những giọt mồ hôi sau lưng áo Trung khi chúng ta phải đạp xe lên Đồng Lê những ba năm cấp III! Ba Mạ Huệ coi Trung như con, còn Huệ thì đã tự nhiên coi nhau như người một nhà… Kể làm sao cho xiết!. Đôi khi Huệ cũng thấy sợ, sợ rằng Trung sẽ nói ra một điều… Và cầu mong Trung đừng nói. Vậy mà Trung không giữ được cho Huệ cái tình anh em thân mật! Cám ơn Trung đã ngõ lời. Nhưng Huệ thấy mình còn bé lắm, chưa giám nghĩ đến việc đó. Phải học đã Trung ạ. Tiếp thư này, xin Trung đừng buồn, hay tủi. Nếu được, hãy coi Huệ là đứa em bé nhỏ, Trung nhé! TB: À, Trung vẫn chăm chỉ việc ôn thi đó chứ? Cố lên Trung nhé! Trời không phụ kẻ kiên trì đâu.  Huệ”.

Chao ôi là lời của người văn sỹ. Trung đã mường tượng được kết cục này, nhưng sao như là chiêm bao! Gần đêm qua Trung không ngủ được. Anh suy nghĩ rất lung. Nên thiếp đi khi trời gần sáng, và tỉnh giậy thì đã gần trưa. Thẩn thờ, Trung mở then ràn bò, con “cụt” vội vàng bước ra vì háu đói, rồi thẳng tiến vô Lèn Choi theo thói quen. Cắp quyển sách nhàu nát, anh bước theo như kẻ vô hồn. Trèo lên đàng tàu lúc nào không biết, con “cụt” dừng lại cạp bụi cỏ ốông, thì đầu Ga Lệ Sơn đã vang lên mấy hồi còi của chuyến tàu chợ Vinh- Đồng Hới. Thất thần, Trung bóp mạnh vào báp đuôi làm con “cụt” nhảy cẫng lên, đánh mạnh hai cẳng chân ra sau vọt tút vô Lèn Choi.

Trung quay người trụt xuống đàng tàu, mặc cho đá ba lát trượt bật cả quai dép tông trẹo lên mắt cá, mặc cho đoàn tàu xình xịch sau lưng. Lững thửng, anh bước về phía cội cơn Da rồi trèo lên cái chạc ba quen thuộc. Gió nội đồng lướt thướt từng chặp, thổi vạt áo Trung bay lên lành lạnh. Trung mơ hồ như đang bay vào cõi mênh mông bạt ngàn cảm xúc. Đây Lèn Choi, đây Bàu Sỏi, đây Đồng Chăm….., và cội cơn Da yêu quý này. Tất cả, tất cả ấy gắn với tuổi thơ của Trung và Huệ, của bao đứa trẻ lem nhem coi việc đến trường như trò đùa, còn việc chăn bò, cắt cỏ, nhặt ốc bắt cua mới là việc chính.

Nay đâu cả rồi?  Hình như cả cánh đồng Lệ Sơn này giờ còn mình Trung! Tất cả đều vắng lặng, bình yên đến rợt người. Cái chạc ba cơn Da đầu xóm, là cái điểm dừng chân quen thuộc của Trung, là “điểm cao chiến lược” của Trung trong suốt bao năm chơi nhởi, chăn thả trên đồng. Chưa bao giờ Trung để ý thật cụ thể đến nó, và cũng chưa bao giờ Trung để ý đến khung cảnh chung quanh. Mọi thứ là tự nhiên, là tự nhiên hiển hiện trong tâm hồn bao thế hệ trẻ thơ xóm Bàu này không cần suy nghĩ! Thì đây, sao bây giờ nó trở nên lạnh nhạt với Trung? Khung cảnh ấy như có vô vàn cặp mắt ẩn hiện đang nhìn Trung dò xét! Bất giác, Trung cảm thấy lạnh, và lo sợ . Trời ơi, mới hai năm dán đoạn việc học hành, mà sao làng quê thay đổi quá? Bạn bè tứ tán đi hết mà Trung vẫn tưởng còn đông vui. Những đám mục đồng cạy mả phá vườn của Trung ngày xưa kia, nay ngày thưa thớt hẳn. Nếu hai năm, rồi hai năm nữa, không thi đậu Đại học, sẽ thế nào đây? Nghĩa là 24 tuổi, là 30 tuổi…!

Trời! Trung không có quyền trách Huệ vì đã từ chối, chỉ hơi buồn vì thư viết ngắn quá, cô đọng và lạnh lùng quá thôi… Bao nhiêu ý nghĩ xâm chiếm tâm hồn Trung, làm anh ngắc ngư trên cái chạc ba cao điểm giữa đồng làng quê đang xuân phơi phới. Lần đầu tiên Trung ngắm cảnh làng mình, trong cái cảm xúc lạ lẫm mà thân quen. Dưới chân Trung trải dài nửa tầm mắt, là hoa sạu cuối kỳ phất phơ, phấn cuộn lên từng làn vô nghĩa. Mùi lúa, mùi cỏ,  và không biết hoa Sạu có mùi không? Tất cả hoà thành thứ hương vị ngai ngái, làm Trung thấy cay cay sống mũi. Hay chính bởi hơi lạnh cuối xuân lẫn khuất trong gió, xen vào lồng ngực người trai hai mươi tuổi đang thổn thức một nỗi niềm! Anh cố tình hít thật sâu cái hương lạnh ngái ngái ấy, rồi tự nhiên thả lỏng cho tâm hồn đón nhận những đợt sóng  của cảm xúc nhẹ nhàng ve vuốt. Bao hình ảnh, bao sự việc cứ chập chờn vào ra, vào ra trong khuôn ngực đang vơi dần đi sự xơ cứng của bâng khuâng. Rồi anh làm cái việc chưa từng làm: Phóng tầm mắt dõi theo một bầy chim nơi xa tít đâu cuối chân trời, khi bầy chim không còn rõ dạng, anh lại nhìn sang một búp Da non cạnh cái Chạc ba có hai con  Ngựa Trời đang chèo kéo làm duyên. Cứ thế, Trung nhìn ngắm sự vật như con chim non mới chào đời. Mà quên rằng mùa xuân đang đi vào ban trưa, khi nắng vàng đã trãi mênh mông khắp suốt ruộng đồng. Gió cũng đã khựng lại, để vàng thêm rực rỡ, và cánh đồng trở nên  lặng yên đến dịu dàng. Bất giác, Trung dụi tay vào mắt, trở về nhanh với hiện thực khi anh phát hiện có những động tĩnh bất thường.

Hai sự chuyển động rẽ lối hoa sạu: Một từ Hồ trên, một từ Nương Cau cùng hướng rất thẳng, về phía Trung. Anh bắt đầu quan sát bằng con mắt trinh thám, và dĩ nhiên, sự mơ màng cùng với hỗn hợp bâng khuâng đã tan biết đi. Thay vào đó, tinh thần của tuổi mười mấy đang sống giậy, với những trận “tè bắn” nảy lửa, cũng chính tại cánh đồng Chăm này. Trung là nỗi khiếp đảm của phe đối phương, với màn trình diễn ngoạn mục (Từ trên khuông mả rậm rạp, Trung lao xuống với thế diều hâu vồ gà còn: “bắt sốông thằng tủn”. Kẻ bị bắt sốông thường run lẩy bẩy. một lúc mới hoàn hồn, thì Trung đã thu quân về “bên kia chiến tuyến” chuẩn bị một màn bắt sốông mới). Ở “điểm cao chiến lược”, Trung dễ dàng quan sát hai sự chuyển động. Và khi thấp thoáng một mái tóc búi hờ, một cái mũ lưỡi trai màu mạ úa từ hai phía cùng tới gần, thì anh đã linh giác một điều gì đó không bình thường. Trung thu người lại trên cái chạc ba như một viên đặc công nhà nghề.

Giữa đồng làng Lệ Sơn có những cái bất thường ít ai để ý, đó là sự hiển diện của những bụi cây. Anh có thể ‘gọt” mả, có thể phá dường những mong tăng thêm vài hàng ló, nhưng anh lại không hề có ý niệm về việc sẽ đốn hạ những bụi cây đã mọc tự thuở nào. Dù những bụi cây đó, về mặt kinh tế đã chiếm đi một phần diện tích đáng kể. Từ Lạ Lả  đến Cồn Tra, Xóm Biền; Từ Lèn Choi  về Đồông Khâu, Đồông Trằm, người ta thường gặp ba loại cây trơ gan tuế nguyệt: Mưng (hay Lộc Vừng) chiếm ưu thế về số lượng, rồi đến Dưới và Hóp. Mưng thì có thể nổi bật với công năng che bóng trưa hè, là thiên đường của bao thế hệ mục đồng.

Còn Dưới và Hóp thì ít ai nghĩ về lợi ích của nó. Vậy mà ba thứ cây ấy vẫn tồn tại song hành, giữ gìn cho đồng làng một cái nét rất riêng; Dưới và Hóp thầm lặng  trần mình chịu bao cơn lũ để giữ lại những trĩu nặng phù sa. Ông cha ta bao đời lưu lại cái ý niệm gìn giữ bất thành văn, hoá thành một phần tự nhiên của tư duy nông nghiệp Lệ Sơn. Ngoài ba thứ cây trên là Chùm Bỏi.  Người ta không đếm được tuổi của Chùm Bỏi trên đồng làng, chỉ mơ hồ rằng có lẽ nó được trồng vào cái thời mỗi khu đất gắn với một dòng họ, như một thứ hoa lợi dùng vào việc công đức hàng năm. Nên Chùm bỏi không mọc phân tán đều khắp tất cả các cánh đồng, nó chỉ tồn tại ở những nơi được khai hoang sớm nhất. Khi đất được chia ra các Đội, thì cội Chùm Bỏi cũng vì thế sẽ biên chế vào tên từng Đội.  Đến mùa thu hoạch trái, mỗi đội cử ra khoảng chục người, đi đến những cánh đồng có chùm bỏi đã được phân chia để hái về đấu gía công khai, sung vào việc công của Đội. Vì lợi ích nổi trội về mặt kinh tế, Chùm Bỏi được phép tồn tại giữa đồng làng với độ che phủ mỗi gốc gần tám chục mét vuông.

Ba cội chùm bỏi phía bắc đồng Chăm đã trở nên cổ thụ,  cách nhau một khoảng rất đều đặn, lại có ba hàng Hóp nối liền tạo thành một cái “lùm”  tam giác. Nó thuộc sở hữu của Đội 9. Từ chạc ba Trung ngồi đến lùm Chùm Bỏi là một khoảng cách lý tưởng để quan sát, hơn 100m trong điều kiện nắng vàng, trời trong và không gian tĩnh lặng.  Đến nỗi những bước chân giẫm gãy cành nè khô và những sột soạt khác thường, anh đều nghe thấy cả….

Hai mươi tuổi đầu và đã vài ba lần vô ra chốn kinh kỳ mấy độ mùa thi, lại dấu kín trong lòng một mối tình, Trung không phải đã ít mơ tưởng một bàn tay…Chuyển từ trạng thái háo hức bé con “tè bắn” khi mục kích lùm chùm bỏi, Trung sẽ rợn mình trong cái rạo rực lạ thường. Thì chẳng phải trong cái lùm kia, đang diễn ra bản hoà tấu vô tiền khoáng hậu, mà chàng trai tơ là Trung đây làm sao hiểu thấu sự nguồn! Tức cái bụi Hóp vô duyên che khuất tầm nhìn, chỉ để cho Trung nghe đôi vài dứt quảng của âm thanh. Trung liền run rẩy lẹ làng tụt xuống. Cũng là điệu nghệ cũ xưa trong các trận “tè bắn”, nhưng được gắn bởi một động cơ khác của rộn ràng, Trung nhanh chóng tiếp cận lùm Chùm Bỏi với khoảng cách không thể gần hơn! Ở khoảng cách này, anh có thể “bắt sôống thằng tủn” như thường! Không gian và thời gian diễn tiến khôn lường, làm cho Trung không kịp ý thức được hành vi. Nên buộc đôi mắt nai kia tiếp cận một hiện trường. Hàng ngàn xung điện quật nhanh vào trí não, định hình hai chữ “quả tang”!

“- Phải, ta phải bắt sôống quả tang!

–  Khà khà, bọ thằng Tủn đây mà, ông giáo già khả kính đây mà!”

– Ai kia? Chết cha, là mự Út!”

Sự chuyển hoá quá nhanh về cảm xúc, có khi sẽ làm cho con người ta rơi! Và không ít trường hợp, sự tổn thương sẽ rất rõ ràng. Đang định làm nên một kỳ tích giữa làng bằng việc “bắt sôống quả tang” thì đầu gối Trung đã kịp run rẫy khịu xuống, khi nhận vợ Cậu Phơ, là người phụ nữ mà anh gọi bằng “mự”. Trung thấy máu nóng dồn lên mặt mình như núi lửa.  Từ chỗ định làm một trò đùa, chuyển thành trạng thái của tư duy, Trung quyết làm “một mẻ cho ngon lành” bằng những hành động có lí trí. Bằng cách nào? Lặng lẽ rút êm về làng kêu thêm người cầm chạc mụi ra trói? Xa quá, e lỡ chuyện. Nhào thẳng vô chụp quả tang? Chết! Một cơn Rạ và một cái Liềm, với hai kẻ hồi xuân không phải dễ đùa! Những âm thanh mới lạ lại không ngừng phát ra, đâu cho Trung được bình tĩnh để tính toán! Khoảng cách lại quá gần. Như một động tác thiếu suy nghĩ, Trung trườn mình qua bụi hóp, thò tay tó lấy cái quần dài màu mạ úa, rồi chuồn lẹ mà tứ chi run bần bật.

Thoát ra khỏi đám sạu, Trung lết mình tựa vào cội cơn Da, thở lấy hơi. Mồ hôi ứa ra khắp trán, lạnh toát. Sau chưa đầy một phút định thần, bằng động thái dứt khoát, Trung đứng dậy, nắm lấy cái quần dài chiến lợi phẩm đi nhanh về phía làng. Thế nào nhỉ? Chiều nay, và cả ngày mai, Làng lệ Sơn  này sẽ diễn ra nhiều sự kiện, bắt  đầu từ một sự kiện…, tất cả sẽ tuỳ thuộc vào Trung. A ha, ta sẽ bắt đầu sự kiện này thế nào cho long trọng? Ông Trình- Trưởng Công an xã, và ông Đóc Nậy – Đội trưởng nữa, và nhiều người có chức có quyền trong cái làng này, đi hai bên Trung thành một đoàn cán bộ. Ban đầu sẽ bao vây hiện trường, tìm và trói hai kẻ kia lại. Nếu tìm không ra thì cái quần công an độc nhất vô nhị này là bằng chứng không thể chối cãi… Chiều nay, mụ Đái Bế sẽ lồng lên như thế nào nhỉ? Còn Cậu Phơ, hoặc là cầm cái cuốc xỉa đứng run rẫy nơi cửa truồng bò, hoặc sẽ co ro trên tấm phản ho từng chặp vì cơn hen lên cao độ. Con Tuyên núp sau bụi xuối dòm ngó thất thần…. chao ôi là hoạt cảnh. Cả Đội, cả làng sẽ vây quanh để nghe Trung tường thuật. Rồi ngày mai, Chợ Vang sẽ râm ran, có khi là ngày mốt, ngày kia… nhiều nhiều ngày nữa. Mà bất kỳ ở đâu, Trung cũng là tiêu điểm! Bất giác, Trung khựng lại. “Là tiêu điểm?”. Bốn từ ấy như luồng điện làm Trung lạnh toát người! Nghĩa là Trung trở thành cốt lõi của tất kịch vào ngày mai? Chứ đâu phải là hai kẻ già nua hư đốn kia? Ô hô! Thiên hạ sẽ gắn cho Trung cái cụm từ gì đây? Con Tuyên sẽ nhìn Trung ra sao? Thằng Tủn nữa, Từ Đại học Kinh Tế ngoài Hà nội, chắc nó sẽ muốn về ngay, hoặc sẽ không bao giờ về làng nữa vì xấu hổ!… Huệ nữa chứ! Huệ sẽ nghĩ gì về Trung? Rảnh hơi đi bắt lẹo à? Xấu chết đi được, sao dám gặp mặt Huệ?….

Một làn gió mạnh từ Rào nác Mội thổi ra, làm Trung bừng tỉnh giữa cơn mê, đứng chết lặng trong thinh không bát ngát của hoa Sạu gục gặc trêu ngươi. Anh nhìn xuống bàn tay đang buông lơi chiếc quần mạ úa đầy ngao ngán. Bỗng nhiên lấy đà vứt một phát rõ mạnh. Cái quần bung ra cản gió không bay đi đâu xa, mà mắc ngay vào cành nè khô hàng rào trước mặt Trung, làm rơi ra từ trong bâu quần một đùm vải nhỏ. Trung lửng thửng nhặt cài đùm lên. Bên trong chiếc mùi soa cũ là một đôi trằm bạc hình hột Sạu…

Sau mùa Sạu, có người nhìn thấy O Dỏ (đi mót Sạu) trèo lên ngọn Cơn Da và mót được một cái quần. Nhưng O Dỏ thì chối nguây nguẩy. Mấy mụ đàn bà lắm chuyện hay châu vào nhau nói nhỏ: “con ngây nớ mà còn có giá, thằng ngu mô cho hắn một đôi trằm bạc to dư hột sạu”.

Nam Bộ, tháng 10 năm 2010.

Lai Văn Thế ® 09.11.2010 11:55 
Hình ảnh: Nguyen Thanh Hai

Để lại một bình luận