Bài viết Cảm xúc - Kỷ niệm về Lệ Sơn

MỘT CHÚT TÂM TÌNH CỦA NGƯỜI VĂN HÓA …

Được đăng bởi Người Lệ Sơn

Thập niên 60, 70 thế kỉ XX, xã Văn Hóa trở thành điểm nối để quân vào quân ra, vì vậy bộ đội hành quân qua làng suốt ngày đêm và mỗi nhà dân là một điểm nghỉ của chiến sĩ, họ có thể gọi cửa bất cứ lúc nào, kể cả đêm khuya. Khi bộ đội đến là nhà mô cũng nhường chỗ ngủ ngon nhất cho họ… xung quanh việc ni có nhiều điều thật cảm động. Chuyện kể rằng: Có anh bộ đội rúc vô màn ngủ, hít hít cái gối, rồi hỏi: Mạ ơi giường ni của con gái mạ à, nghe thơm mùi bồ kết…Hình ảnh các mẹ, các chị, ai có cam bưng cam, ai có chuối bưng chối, không chuối thì có mít chín … nói chung có xi ăn uống được là bưng ra tặng bộ đội… những tháng năm đó còn in mãi trong kí ức của làng…

Xóm Lê Lợi và Phúc Tự là hai nơi trù phú của LS, ở giữa có con hói chảy qua; dân làng đã đào sâu con hói để ca nô, tàu thủy vào núp tránh máy bay giặc. Họ lấy những thảm vườn sum suê cây trái, những ngôi nhà tranh để che chở những con tàu trong thời chiến; nhưng rồi cũng bị phát hiện, nên ở khúc sông này đã xảy ra cuộc ném bom của giặc có một ko hai trong lịch sử của làng, Trận Không – Thủy chiến nổ ra trên sông Gianh đoạn qua làng mình. Tàu bay giặc từ trên rải thảm bom đạn xuống, tàu chiến ta từ dưới bắn lên… cả làng Lệ Sơn chìm trong khói lửa…

Thôn bàu Sỏi, sát dãy Trường Sơn, nơi có hòn lèn Choi sừng sững, có con đường tàu hỏa chaỵ qua, trong chiến tranh đã cải tạo thành đường ô tô, rứa là ngày đêm xe chạỵ rầm rầm về tập kết hàng, tập kết quân… Sủng Cha Bọ và xóm Bàu Sỏi trở thành nơi dấu ô tô và hàng quân dụng … Rồi giặc trời cũng phát hiện ra, mùa hè năm 1968 đã trở thành mùa đau thương. Hơn 1 ngày 1 đêm đủ các loại bom, đạn từ máy bay Mỹ đã ném xuống đây, nhiều nhà dân bốc cháy, sụp đổ, nhiều người dân Văn Hóa mãi mãi ra đi…

Người dân quê mình thời ấy làm trong bom đạn, ăn trong bom đạn, ngủ trong bom đạn, cái chết có thể đến bất cứ lúc nào. Đêm đêm, trước khi đi ngủ phải tưới nước lên mái nhà tranh để đề phòng bom đạn mần nhà cháy… Hồi ấy, tàu bay giặc hay đánh ban đêm, nhưng mà mùa hè Lệ Sơn lại nóng như rang nên phải ngủ trên chõng tre, hoặc nằm võng… Máy bay ào đến là 3 chân 4 cẳng chạy vô hầm… Hôm đó khoảng 2 h khuya, tiếng động cơ máy bay gầm rú như xé trời, đánh tan giấc ngủ dân quê tui sau một ngày cày cuốc, mọi người nửa tỉnh nửa mê theo quán tính chen nhau xuống hầm. Máy bay quần thảo một hồi rồi bắn hàng loạt rốc ket xuống cái xác tàu nằm trên sông Gianh chỗ làng mình… Sáng hôm sau đi mần cỏ, chị L kể: Khi nghe tàu bay lao xuống như xé trời, Bọ chạy trước, tui chạy sau, bọ húc phải cái cọc sàn bí đao trước cươi, sàn sụp, nghe nhiều tiếng rơi lộp đôp, Bọ vội vàng nằm xuống rồi hô to: Việt Nam muôn năm! Việt Nam muôn năm!, tui cũng tưởng bom sắp nổ, nên hô theo bọ, nhưng vì luống cuống mở ko ra mồm nên chỉ hô : Tui cũng rứa! … Nằm một chặp ko nghe tiếng nổ, bọ nói: tau tưởng bom rơi, hóa ra bín dưa rụng !

Tháng 12. 2000, nhạc sĩ, Bộ trưởng Văn hóa Thông tin Trần Hoàn đến làm việc với TP Đà Nẵng, trong bữa cơm thân mật , tui gợi lại câu chuyện về thời xưa anh Hoàn đã sáng tác bài hát nổi tiếng Sơn nữ ca tại Quảng Bình, anh ôm tui vào lòng: ôi, dân hai bọ à, mình ở QB lâu ,vô đây làm việc à, tốt, tốt… tui kể về làng Văn Hóa – Lệ Sơn, anh chăm chú nghe, rồi nói: Mình sẽ có một Sơn nữ ca thứ hai từ nguồn cảm hứng Làng Văn Hóa – Lệ Sơn…
(Còn tiếp)

Để lại một bình luận