Giới thiệu tư liệu lịch sử làng do Thầy giáo Lương Duy Niệm biên khảo
Đôi nét về tác giả
Họ và tên: Lương Duy Niệm
Nghề nghiệp: Giáo viên, nguyên Hiệu trưởng trường cấp 3 Phan Bội Châu
Hiện là giám đốc Trung tâm sáng tác và phát triển văn học nghệ thuật, chi nhánh tỉnh Quảng Bình
Địa chỉ: Thôn 3, Thiết Sơn, Thạch Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Bình.
Số điện thoại: Nhà riêng: 0523670139 Di động: 01657607867
LÀNG LỆ SƠN, MẢNH ĐẤT “ĐỊA LINH NHÂN KIỆT” XƯA VÀ NAY
Nếu ai đó chưa đến Làng Lệ Sơn (xã Văn hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình) thì cũng có dịp ngồi xem chương trình “Đôi bờ Sông Gianh” trên màn ảnh nhỏ. Một dải “Non xanh nước biếc” hùng vĩ uốn lượn nhấp nhô với nhiều đỉnh núi cao chót vót, trùng trùng điệp điệp hình Long Phượng ở phía Nam xa xa. Phương Bắc, cạnh đường quốc lộ 12A là dòng Gianh uốn lượn, nước xanh màu Ngọc Bích chảy lững lờ duyên dáng đến mê hồn. Trên bờ, được bao bọc bằng lũy tre xanh. Hàng đời nay, đã làm lũy thành che chắn gió bão và lũ lụt cho làng.
Với cảm hứng đó, nhà thơ Ngọc Duy đã làm bài thơ: “Làng Lệ Sơn”, trong đó có đoạn:
Ngồi xem phong cảnh quê hương
Trông lên màn ảnh ngàn sương hững hờ
Nước sông Gianh chảy lững lờ
Lũy tre xanh biếc sững sờ cảnh tiên
Núi chiều đá đã ngủ yên
Chín mươi chín chóp Rồng thiêng lượn chầu
Lưu truyền thuyết Chúa Nguyễn sầu
Phượng Hoàng tìm kiếm xây lầu kinh đô
Trăm chim bay lượn như phô
Thiếu đi một chóp bay vô ngự bình
…
(Trích “Hương Đất Việt” – Thơ chọn lọc)
Truyền thuyết kể lại rằng: khi Chúa Nguyễn trên đường vào Nam kiếm chốn lập nghiệp để chống trả với Chúa Trịnh phương Bắc, khi đến làng Lệ Sơn, thấy phong cảnh hữu tình, đất đai phì nhiêu, có núi sông che chắn; đồng thời phía Nam, Đông Nam, Tây Nam lại có năm lòng chảo lớn mà người bản xứ gọi là Hung Tắt, Hung Mít, Hung Xoong, Hung Thơm, Hung Cày, có thể lập đồn lũy để chống trả với kẻ thù.
Chúa Nguyễn quyết định lập đàn để xin trời đất – Phật Linh …cho đóng Đô tại nơi này. Chúa Nguyễn ăn chay, hương hoa tế lễ năm ngày liền. Ngày thứ năm, người ta bỗng thấy một đàn chim Phượng Hoàng sải cánh bay đến, lượn ba vòng, che kín cả ánh nắng chói chang của ngày hè. Đàn chim bay tản ra, mỗi con đỗ xuống một đỉnh lèn. Người ta đếm đủ chín mươi chín con đã đỗ xuống trên chín mươi chín đỉnh núi của làng. Có một con mào đỏ, đuôi Công bay dọc theo dãy lèn tìm kiếm… Không có nơi đỗ, con chim đầu đàn bay hút về phương Nam và cả đàn cũng sải cánh bay theo.Cách đây 107 năm – năm 1902, cậu Cả Hăng đã có thơ rằng:
“…Đất Phong Thủy một bầu long hóa
Núi Trường Sơn ngựa thả Kỳ Lân
Phượng Hoàng đến đậu mấy lần
Chín mươi chín chóp đã gần một trăm
Phong cảnh đẹp chim rừng gọi bạn
Thú yên hà đã rạng tam thiên
Đất trời sắc ảo tự nhiên
Bao nhiêu non nước u huyền bấy nhiêu…”
(Trích “Chân Linh động luyện văn”)
Chẳng những đời hậu thế cách đây hơn một trăm năm nhiều quan chức, nhiều bậc văn nho cảm nhận được phong cảnh hữu tình của dãy đất Địa Linh này, mà từ thế kỷ XV – năm Hồng Đức nguyên niên – năm 1471, ông Lê Văn Hành – quốc tự giám sinh theo đường đi chinh phạt, đi ngược dòng Gianh đến xứ Cồn Vang (tên xưa của làng Lệ Sơn), thấy nơi đây “Sơn thủy hữu tình”đất đai phì nhiêu, có thế Rồng chầu, Nghê phục… có thể lập nghiệp lâu đời cho con cháu.
Khi trở về Thanh Hoa – quê ông thuộc tỉnh Ninh Bình ngày nay, ông đã lập sớ tâu Vua Lê Hoàng xin được đến vùng Cồn Vang lập nghiệp. Được nhà vua chấp nhận, năm 1471, ông Lê Văn Hành cùng một số khanh tướng, môn đệ vào Cồn Vang khai canh lập ấp. Hưởng ứng chiếu khuyến nông của nhà vua mở mang đất đai về phía Nam, cùng với lòng quyết tâm dựng nghiệp, sau mười năm đã tạo dựng được những cánh đồng vàng.
Trong bài “Văn tế Bản Thổ Thành Hoàng Làng Lệ Sơn”, cậu Cả Hăng đã ca ngợi:
“…Ô Châu một góc trời Nam
Chi Lâm khai khẩn để làm cố hương
Khải tậu dựng Phong chương một bức
Ơn Lê Hoàng(1)giáng đức ngự ban
Hầu Từ phụng mệnh thiên gian
Thẳng rong bố trí dưới ngàn Hoành Sơn
Giang đá mốc nhọc miền nham hiểm
Chốn thâm nghiêm ai dám thay lay
Mở mang mặc sức ra tay
Chặt cây tìm đạo vén mây xem trời …”
Nhìn cơ nghiệp mở ra thật hạnh phúc cho đời sau, tháng chín Nhâm Dần – năm 1482, ông Lê Văn Hành lập sớ tâu vua cử Bản Châu quan Lạng Động Hầu Nguyễn Huy Tưởng, người quê Trung Hòa, Xã Quảng Phúc, huyện Quảng Trạch bây giờ về trắc đạc, lập sổ đinh điền, công tư điền thổ và thiết lập xã hiệu, làng Lệ Sơn được đặt tên từ đó. Trong hàng công hầu khanh tướng, ông trọng tài đức của Lạng Động Hầu, nên Lê Văn Hành đã gã người con gái út của mình là Lê Thị Nại cho Nguyễn Huy Tưởng. Ông Lê Văn Hành đã phong cho Lạng Động Hầu làm Bản Thổ Thành Hoàng làng Lệ Sơn. Vì có công lao khai khẩn,mở mang, xây dựng, kiến thiết và đến cuối đời lại không có con cháu nối dõi nên đến lúc qua đời dân làng đã lập đền thờ ông. Hàng năm, cứ đến ngày rằm tháng sáu dân làng lại làm thịt một con trâu dể nguyên cả con thui chín đặt giữa đình làng làm vật tế lễ. Người dân làng Lệ sơn gọi là lễ tế Lục Ngoạt hay lễ tế Bản Thổ Thành Hoàng Làng.Trong bài văn tế Bản Thổ Thành Hoàng,cậu Cả Hăng cũng đã khẳng định công lao to lớn ấy:
“…Đấu vì tài yêu dùng vì nết
Kẻ anh hùng mới biết sức nhau
Một nhà chí cả anh hào
Vỗ tay làm chước hỏa đao giúp người
Lập xã hiệu chiếu khai điền thổ
Tính mẫu sào lập sổ tiến dâng
Công liêng non Thái xem bằng
Chức phong năm thức,tước phong công hầu
Tiếng thơm dậy Ô Châu đều biết
Mới nên tài hào kiệt họ Lê(2)
Bảng vàng thẻ bạc ban về
Tiếng khen đã phỉ lời chê bao tầng
…
Đất thiêng còn kiểu cao Vương
Sống làm tướng lĩnh, chết làm thần linh
Khói hương sực nức cung đình
Làm thần bản thổ rành rành muôn thu”.
Nhiều vị quan chức, nhiều bậc văn nho đã đến mảnh đất này. Họ đều có một cảm tác hết sức sâu sắc với mảnh đất địa linh nhân kiệt của làng. Quan Hậu Bổ Nghệ An – cụ Nguyễn Hàm Ninh, sau này làm quan án Sát tỉnh Khánh Hòa,quê ở làng Phù Kinh(xã Phù Hóa, huyện quảng trạch, Quảng Bình), sau dời về ở tại làng Trung Thuần ( xã Quảng Lưu, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình), là ông quan thanh liêm, yêu nước thương dân đã để lại tiếng thơm muôn đời. Khi còn sức, cụ đã từng leo lên hòn lèn choi cao nhất, nhìn cảnh núi sông hùng vĩ của làng, của quê hương đất nước,cụ đã cảm tác làm nên bài thơ: “Lệ Sơn Xuân Vọng” bằng tiếng Nôm còn lưu giữ cho đến bây giờ. Bài thơ được cụ Lê An dịch là:
“ Mùa Xuân từ Lệ Sơn trông ra
Đồn cũ mưa đêm,mù phủ dày
Hoa rừng bát ngát áo vương đầy
Nghìn non chiều tối dăng liền nội
Muôn dặm bầu trời cuốn vén mây
Sông núi nước Nam không thể chuyển
Kế mưu giặc Pháp sắp sao đây ?
Dường nghe tướng giỏi vua vừa cử
Tin thắng về cung ngóng tối ngày ”
Đến năm 1918 – khi về làm tri huyện huyện Tuyên Hóa, viên tri huyện Trần Mạnh Đàn – vị quan đã từng viết nhiều sách nhất đã đến làng Lệ Sơn vào những ngày đầu về nhận chức và đã để lại bài thơ Đường Luật: “Vịnh núi Lệ Sơn”:
“Chín mươi chín chóp một dãy liền
Nhiều chóp chon von ngọn chỉ thiên
Phượng điểu trăm con nghe muốn xuống
Chân Linh một động khó trèo lên
Tám lần phong tục dư thuần hậu
Bốn chỗ thanh hương đứng trước tiên
Xe lửa sau này qua lại đấy
Du nhân nhìn thấy phải ngầm khen”.
(Trích: “Thuận Giangg thi tập”)
Chúng ta đã điểm qua các bậc quan chức,các bậc văn nho đời xưa đã cảm tác về mảnh đất Cồn Vang ngày ấy cho đến bây giờ. Tiếp nối với Lê Văn Hành- người đã tạo dựng làng Lệ Sơn lúc bấy giờ, sau đó tiếp nối với ông, cháu chắt Lương Thế Vinh, cháu chắt của nhà Trần…cùng về khai canh lập ấp tại nơi đây. “Bát Đại tính”(Tám dòng họ) đã hợp sức,đã chung sống hòa thuận,đoàn kết cùng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Hình ảnh “Địa Linh Nhân Kiệt” của đất Lệ Sơn xưa và nay luôn xứng đáng với truyền thống “Bát danh hương” của tỉnh Quảng Bình và truyền thống “Tứ danh hương” của phủ Quảng Trạch ngày xưa.
Trong năm 2007 nhà thơ Ngọc Duy có bài thơ thất ngôn tứ tuyệt đăng trên tập thơ chọn lọc của các thi sĩ cũng đã cảm tác và khắc họa được bức tranh về mảnh đất địa linh nhân kiệt này:
Cảnh Làng
Đất Lệ Sơn trời xây cảnh lạ
Tứ danh hương:Cảnh – Thổ – Sơn – Hà
Vải thơm nhãn ngọt mùa cam chín
Sông lượn núi vờn trải rộng ra.
(Trích tập thơ: “Hương sắc miền Trung”)
Chú thích:
(1) Vua Lê Thánh Tông
(2) Nguyễn Huy Tưởng – Lạng Động Hầu đổi họ thành họ Lê.
Các tài liệu tham khảo:
– Gia phả”Bát Đại tính”làng Lệ Sơn.
– Văn tế Bản Thổ Thành Hoàng làng Lệ Sơn(cậu Cả Hăng).
– Chân Linh Động luyện văn(tập thơ của cậu Cả Hăng).
– Thuận Giang thi tập.
– Hương Đất Việt – tập thơ chọn lọc.
– Hương sắc miền Trung – tập thơ chon lọc.