Bài viết Cảm xúc - Kỷ niệm về Lệ Sơn

Kể chuyện học xưa – Phần I – Tác giả: Toản Lương

Được đăng bởi Người Lệ Sơn

Ngày xưa (1977-1980) xóm Phúc Tự làng Lệ Sơn có khoảng 100 nóc nhà.Trẻ em lên 6 là đi học vỡ lòng. Vì lớp vỡ lòng của xóm nên học trong Chùa, chùa Phúc Tự.Thầy giáo ngưòi trong làng nhưng từ trường chính được cử lên, ăn lương nhà nước.

Nhà thầy ở xóm Lê Lợi, xóm bà ngoại mình. Nhà thầy hình như đi qua đường Lã Lã, qua trạm bơm, vượt qua 1 đoạn đường đầy cây tre và cứt trâu đầy đường thì đến nhà thầy. Thầy giáo làng cũng buồn cười, đi trong xóm biết ngay, tiếng chào vang từ đầu xóm đến cuối xóm. Từ người già đến trẻ, ai cũng lễ phép, chào thầy giáo, bác giáo, anh giáo. Nhất tự vi sư, bán tự vi sư, thầy giáo nhất làng, to hơn cả chủ tịch xã bây giờ. Thầy đứng đái ở bụi tre, trò đi qua lại cứ thản nhiên, chào thầy giáo ạ. Thầy vung sang trái cũng có đứa đợi, vung sang phải gặp mấy em gái đứng khoanh tay. Có bà đi chợ về đầu đội thúng, tay vén quần đứng tồ tồ bên đường, cũng vồn vã, chào thầy, mời thầy vô nhà uống nước chè xanh cho khỏi khát !.

Hôm trước ngày khai trường, ông nội tôi tay dắc cháu tay cầm Cút rượu (chỉ nhớ rưọu quốc lủi đựng trong cái chai như chai cocacola bây giờ) đến nhà thầy trên xóm Lê lợi.Thầy uống 1 chén rượu của ông tôi đưa đến và bỏ lại cút rượu trên cái dĩa của ông nội rồi khoát tay “ông Lý Mại cứ giao thằng cu Dểu cho tui”. Ông tôi kính cẩn đi giật lùi ra ngõ, coi như xong màn chạy trường cho thằng cháu nghịch nhất làng như bây giờ chạy trường chuyên lớp chọn của mấy mẹ ở Thủ Đô Lớp học vỡ lòng, hình như có 02 quyển sách. Quyển đánh vần kiểu A C a Ca .Bê bờ ê bê, rồi Ô thời đội nón Ơ thời có râu và 01 quyển toán. Sách giáo khoa thì thầy phát, không phải mua bán gì.Thầy phát sách xong mang về cho ông nôi, đi xin báo Nhân dân của ông Duyêt (bố bác Lương Duy Thắng) về bọc lại coi như xong.Tiếp theo là phần ông nội dặn dò, sách ko được gấp hỏng gáy, đi học không được nói leo, ko được đánh bạn, thưa Thầy xưng trò…nghịch ngợm mà thầy không cho học thì ông bà nội ngoại mặt mo!

Nhớ thời ấy thầy Lưu dạy vỡ lòng cho trẻ Phúc Tự chả biết khai giảng là gì. Gọi là lớp cho oai, thực ra đó là nhà chùa cách nhà mình khoảng 1 km. Sân nhà chùa khá rộng chẳng có cửa ngõ gì, tống hoác 4 phía. Học trò loanh quanh trong xóm, thò lò mũi xanh ngồi trên ghế gỗ chôn chân xuống đất. Nhiều đứa đến lớp vẫn cởi truồng, ỉa đùn, đái dầm trong lớp là thường.Có đứa đi học còn bé em theo vì cha mẹ đi làm đồng hợp tác, tiếng ê a đánh vần hòa chung tiếng trẻ e khóc, vui đáo để.

Không có bút chì, trẻ con bé tý chưa biết gì đã viết bút tre, mực tím, tô theo chữ thầy Lưu viết bằng bút chì. Mực đổ ra bàn ra cả vở trắng thành hoa hòe hoa sói như tranh Picasso. Sau buổi học quần áo đầy mực đa sắc mầu. Có khi viết lên có bảng đen vẽ chữ và giơ lên cho thầy xem. Bảng đen học trò thời ấy làm bằng gỗ, ông nội mang mảnh ván đến ông thợ mộc đưói Trung Làng, bào qua mấy lần cho phẳng.Ông về lấy nhọ nồi và lá khoai chà đi mấy lần, khoan 2 cái lỗ và đeo cái dây. Ông cháu mang trên vai đi học như chủ tịch huyện mang túi máy tính đi họp thời giờ.

Cứ đầu giờ học là thầy kiểm tra vệ sinh. Trong lớp lũ trò phải khoanh tay để trên …bàn cấm ngọ nguậy. Ông thầy cầm cái thước to tướng, trò nào tay bẩn hoặc không nghe là vụt một cái vào tay rất đau. Hoặc phạt đứng trên bảng cả buổi học. Có hôm mình bị phạt, không dám xin thầy đi đái., thế là đái luôn vào xó nhà, gần bục giảng của thầy, khai mù. Ông Thầy tranh thủ vào nhà bên cạnh uống nước về thấy thế bực quá gọi ông nội mình lên cho về luôn, khỏi hoc!.

Loanh quanh thế nào mà cũng hết lớp vỡ lòng lên lớp 1. Lên lớp 1 là được ra học trường chính, trường đúng là có mái ngói đỏ tưoi, 2 đầu hồi trường có vẻ cảnh lớp học và phong cảnh đâu đẹp lắm.Trước sân trường có mấy cây bàng, ông nội mình sợ cháu tranh thủ trèo cây nên toàn đem chuyện Ma trú ngụ trong cây bàng để dọa thằng cháu nghịch hơn quỷ sứ.

(Còn nữa)

Tác giả: Toản Lương

Để lại một bình luận