Các thư tịch cổ sau Đồng Khánh Địa dư chí gần như đều được các dịch giả chú giải theo hướng gắn động Chân Linh vào động Tiên Sư
Có vẻ như những khác biệt rất phi lý về cách chú giải động Chân Linh trong các thư tịch cổ đã khiến nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu bày tỏ qua bài Động Phong Nha kỳ quan thiên nhiên qua thư tịch cổ, đăng trong Tạp chí Xưa và Nay tháng 3-2004.
Theo ông Nguyễn Đình Đầu: “Có lẽ vì lý do tư liệu nghiên cứu lâu ngày lẫn lộn nên Ô Châu cận lục đã mô tả động Chân Linh giống như động Tiên Sư. Còn động Chân Linh của Đại Nam Nhất thống chí thì nay không biết ở đâu và coi như mô tả khống. Hoặc giả hai động Tiên Sư chỉ là hai cách gọi hay hai phòng hang động khác nhau”. Và, để minh họa rõ hơn, ông dẫn các nội dung mà Đồng Khánh Địa dư chí đã chú giải như chúng tôi đã nêu, nghĩa là xem Chân Linh và Tiên Sư là 2 động cùng ở trang Phong Nha.
Diệu ứng chi thần
Trước ông Nguyễn Đình Đầu, cũng trên Tạp chí Xưa và Nay tháng 12-2003, tác giả Hồ Đắc Duy khẳng định trong bài Hành trình đến động Phong Nha rằng “Chân Linh ngày xưa hay Phong Nha hôm nay trở nên một thắng cảnh trên con đường huyền thoại này”.
Du khách hành hương lên miếu Bà của động Chân Linh Ảnh: Lê Trọng Đại
Du khách hành hương lên miếu Bà của động Chân Linh Ảnh: Lê Trọng Đại
Các thư tịch cổ về sau, dù có đề cập hay không đề cập, cũng gần như đều được các dịch giả chú giải theo Đồng Khánh Địa dư chí để gắn động Chân Linh vào động Tiên Sư. Bản dịch Phủ biên tạp lục do Đỗ Mộng Khương, Nguyễn Trọng Hân, Nguyễn Ngọc Tĩnh dịch (Đào Duy Anh hiệu đính, NXB Khoa học Xã hội năm 1977) chẳng hạn đã chú giải: “Động Chân Linh hiện nay gọi là động Phong Nha”. Ngay cả với Ô châu cận lục, bản dịch của Trần Đại Vinh và Hoàng Văn Phúc (NXB Thuận Hóa năm 2001) cũng chú thích: “Động Chân Linh về sau gọi là động Phong Nha”. Cho nên, dễ hiểu vì sao bây giờ lại có nhiều tài liệu, bài báo viết động Chân Linh là động Phong Nha khiến nhiều người khi đến động Phong Nha vẫn đinh ninh rằng đã đến được thắng cảnh mà Dương Văn An khẳng định “Dẫu là cảnh trí nguồn Đào cũng không thể tô điểm gì thêm”, từng thu hút du khách từ những thế kỷ XIV-XV, rất lâu trước khi cái tên động Phong Nha xuất hiện trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Như chúng ta đã biết, Bố Chính là một châu của Chiêm Thành được vua Chế Củ dâng cho nhà nước Đại Việt khoảng năm 1069 và gồm các huyện Quảng Trạch, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Minh Hóa thuộc tỉnh Quảng Bình ngày nay. Tra cứu trong Đồng Khánh Địa dư chí cũng dễ dàng tìm được Lệ Sơn thượng xã (trang 1375, tập 2). Theo phân tích của thạc sĩ sử học Lê Trọng Đại (Trường ĐH Quảng Bình), trong lịch sử tỉnh Quảng Bình chỉ có một Lệ Sơn thượng xã chính là xã Văn Hóa của huyện Tuyên Hóa ngày nay.
Trong chuyến du khảo của chúng tôi vào đầu năm 2013 tại xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, nơi có động Phong Nha, các bô lão ở đây đều khẳng định động Tiên Sư chính là động Tiên Sơn trong quần thể Phong Nha và năm Minh Mạng thứ 5 (1824), được triều đình gia tặng “Diệu ứng chi thần”. Điều này phù hợp hoàn toàn với ghi chép trong Đại Nam Nhất thống chí. Các bô lão cũng khẳng định dù có thờ cúng ở động Tiên Sư nhưng truyền thống của dân vùng này không ghi nhận có việc cầu mưa và linh ứng như Đồng Khánh Địa dư chí mô tả.
Từ động Phong Nha, chúng tôi theo thuyền của anh Nguyễn Văn Hòa (ngụ xã Quảng Thuận, huyện Quảng Trạch) xuôi sông Son chừng 30 km để ra sông Gianh và ngược dòng Gianh thêm một chặng chừng đó để đến xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa. Gia đình anh Hòa nhiều đời sống trên thuyền bằng nghề buôn bán dọc các tuyến sông vùng này. Anh Hòa cho biết từ khi chưa cầm nổi tay chèo đã được ông nội dạy mỗi khi thuyền qua động Chân Linh là phải khấn khứa tiên bà để cầu phù hộ.
Nơi anh Hòa đưa chúng tôi đến là dãy núi đá vôi cao vút dọc ga đường sắt Lệ Sơn, đoạn tàu hỏa phải chui qua 5 hầm xuyên núi đá. Phần xác định là động Chân Linh nằm đúng phía Tây xã Văn Hóa. Núi ăn thẳng ra sông Gianh.
Vô số đỉnh và hang động
Những ngày ở xã Văn Hóa, vẻ kỳ bí của núi khiến chúng tôi đầy hào hứng với việc thực địa khảo sát dấu tích Chân Linh nhưng thất vọng vì gặp tiết trời quá lạnh, mưa dầm liên tục, mây phủ kín núi không thể chụp được tấm ảnh nào rõ hình sông dáng núi. Bù lại, chúng tôi gặp rất nhiều người dân biết cặn kẽ những gì liên quan đến Chân Linh.
Ông Lê Ngọc Mân (84 tuổi, cựu giáo chức) cho biết Chân Linh là nơi thiêng liêng đối với dân cư vùng này chứ không riêng gì xã Văn Hóa. Núi Chân Linh là cả một quần thể vô số đỉnh và hang động. Còn miếu Chân Linh tiên nữ chính là miếu Bà nằm lưng chừng núi, cách mặt sông khoảng 100 m. Sử sách của xã này còn ghi rõ khi chúa Nguyễn trên đường vào Nam tìm nơi lập nghiệp, khi đến vùng này thấy phong cảnh hữu tình, đất đai phì nhiêu, núi sông che chắn đồng thời có nhiều điểm có thể lập đồn lũy để chống trả kẻ thù nên lập đàn để xin trời đất cho đóng đô tại đây. Sau 5 ngày liền chúa Nguyễn ăn chay, hương hoa tế lễ, bỗng có đàn phượng hoàng bay đến, lượn 3 vòng kín cả ánh nắng rồi mỗi con đậu xuống một đỉnh núi. Có tất cả 99 con đã có nơi đậu, riêng một con mào đỏ không còn nơi đậu nên bay về phương Nam. Cả đàn sải cánh theo. Vì thế, chúa Nguyễn quyết định vào Nam đóng đô, chính là kinh đô Huế sau này.
Sử sách cũng ghi đây là nơi dừng chân của vua Hàm Nghi trong cuộc hành bôn từ Huế ra Quảng Bình, Hà Tĩnh.
Không rõ bên trong thế nào
Trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ, hệ thống hang động núi đá vôi ở khu vực động Chân Linh là nơi cho dân trú ẩn và bộ đội đóng quân. Hầu hết các hang động đều kỳ vĩ nhưng dân chúng ở đây khẳng định đứng đầu vẫn là động Chân Linh. Tuy nhiên, ông Lê Ngọc Mân thừa nhận khi ông lớn lên, cửa động Chân Linh đã chìm dưới nước đến vài mét nên không rõ bên trong hoành tráng thế nào. Dù vậy, du khách khi đi trên tàu hỏa ngang qua hệ thống hang động ở đây bây giờ vẫn cảm nhận được phần nào của sự kỳ vĩ, huyền bí.
Kỳ tới: Tiên nữ là ân nhân
Bài và ảnh: Lương Duy Cường
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)