Bài viết Bài viết lấy từ nguồn khác Videoclips

“Bát danh hương” tỉnh Quảng Bình: Xứng đáng cho một tour du lịch thú vị

Quảng Bình không thiếu gì những điểm đến hấp dẫn. Tuy nhiên, tôi vẫn mong muốn có một tour du lịch riêng kết nối “bát danh hương” gồm 8 làng nổi tiếng nhất tỉnh: Lệ Sơn – La Hà – Cảnh Dương – Thổ Ngọa – Văn La – Võ Xá – Cổ Hiền – Kim Nại. Đó là những làng văn vật có bề dày lịch sử, nổi trội trên nhiều phương diện từ khoa cử đến di tích, danh lam thắng cảnh, có lễ hội và sinh hoạt văn hóa đặc sắc, phong phú.

Nổi tiếng về khoa cử, địa linh sinh hào kiệt

Trong 8 làng nổi tiếng của tỉnh Quảng Bình, làng Lệ Sơn (xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa) được xếp đầu tiên trong “bát danh hương”. Truyền thuyết kể vào một chiều xuân, 100 con phượng hoàng trên đường bay từ Bắc vào Nam, khi tới vùng Lệ Sơn đã không cưỡng lại được vẻ đẹp của mảnh đất này. Tiếc thay, Lệ Sơn chỉ có 99 ngọn núi mà có đến 100 chim phượng hoàng. Thế là, một con loay hoay mãi không tìm ra chỗ đậu nên đàn chim đành phải ngắm nghía ngôi làng rồi bay đi.

Do phía trước là sông, phía sau án ngữ bởi những ngọn núi đá vôi, khó khăn về giao thông nên trước đây làng Lệ Sơn gần như bị cô lập. Dân làng sống chủ yếu bằng nghề nông mà đất canh tác hạn hẹp, lại hay gặp hạn hán, lũ lụt nên thường xuyên lâm cảnh thiếu, đói. Để thoát cảnh đói nghèo, người dân Lệ Sơn chỉ còn biết chú trọng đầu tư vào việc học hành cho con em.

Theo thần phả của làng Lệ Sơn, năm 1471, khi người dân mới đến lập làng và cuộc sống chưa ổn định, cố Lê Văn Hành là vị tiền khai canh làng Lệ Sơn đã lặn lội đi tìm thầy giỏi là cụ Trần Cảnh Huống (nguyên là quan thái học ở Trường Quốc Tử Giám, nghỉ hưu tại làng Phù Kinh) về mở lớp dạy cho trẻ em trong làng. Qua thống kê chưa đầy đủ, dưới chế độ phong kiến, con em Lệ Sơn có trên 20 người đỗ cống sĩ (cử nhân) và khoảng gần 100 người đỗ tú tài. Thời nhà Nguyễn, hầu như khoa thi nào cũng có người làng Lệ Sơn đi thi và đỗ đạt từ tú tài đến cử nhân. Mặc dù không có người đỗ đại khoa, nhưng làng Lệ Sơn có một giải Nguyên, đó là Cố Lê Thời Tập đỗ năm Minh Mạng thứ 9 (1828); hai Á Nguyên là cố Lê Huy Côn đỗ năm Minh Mạng thứ 6 (1825) và Cố Lương Nhị đỗ năm Tự Đức thứ 35 (1882). Theo “nhà Quảng Bình học” Nguyễn Tú, sở dĩ làng Lệ Sơn được xếp đứng đầu “bát danh hương” tỉnh Quảng Bình vì “người Lệ Sơn từ nam phụ đến lão ấu ai cũng thuộc sách Tam tự kinh và Minh tâm bảo giám, phụ nữ ai cũng thuộc Truyện Kiều…”.

Làng La Hà nay thuộc xã Quảng Văn, thị xã Ba Đồn là làng có thành tích khoa bảng rực rỡ nhất trong “bát danh hương”: “Khi nào hết cát Mỹ Hòa, sông Gianh hết nước, La Hà hết quan”. Chỉ trong gần 1 thế kỷ dưới thời nhà Nguyễn, La Hà có đến 5 vị đỗ đại khoa tiến sĩ, 1 phó bảng và 32 người đỗ hương khoa tú tài, cử nhân…cùng đông đảo giới nho sinh “tầm sư học đạo”. Làng La Hà tuy nghèo nhưng hiếu học và nức tiếng sản sinh nhân tài. Dưới thời nhà Nguyễn, toàn huyện Quảng Trạch có 15 vị đại khoa, riêng La Hà có 6 vị, nhiều nhất trong huyện. Trong các kỳ thi hương, từ năm Quý Dậu 1813 đến năm Mậu Ngọ 1918, cả tỉnh có 270 vị đỗ cử nhân, trong đó huyện Quảng Trạch có 113 vị, riêng La Hà có tới 32 vị, chiếm số lượng nhiều nhất so với các địa phương trong tỉnh. Sử sách ghi lại, La Hà có tới hàng trăm người có học vị từ cử nhân đến tiến sĩ.

Thuộc xã Lương Ninh, huyện Quảng Ninh, Văn La là làng thuần nông nhưng cũng có tiếng về học hành khoa bảng. Thời xưa làng có hội tư văn tập hợp các nhà nho chăm lo mở mang việc học hành. Vào thời  đầu nhà Nguyễn, làng có Thượng thư Hoàng Kim Xán là người học rộng, tài cao. Con trai út của Thượng thư Hoàng Kim Xán là Hoàng Kế Viêm là phò mã, lấy con gái vua Minh Mạng, làm quan đến chức Thống đốc Trấn bắc Đại tướng quân; cháu nội Hoàng Kim Xán là Thượng thư, Hiệp biện Đại học sĩ Hoàng Trọng Vĩ…

Làng Võ Xá (xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh) tuy không có tiến sĩ bảng giáp nhưng khoa bảng cũng rất rực rỡ. Theo nhà nghiên cứu Trần Văn Chường, địa linh nhân kiệt đã làm rạng danh đất Võ Xá. Dưới triều Nguyễn, làng Võ Xá có gia đình 3 đời liên tiếp, có 4 người đỗ cử nhân. Nổi bật nhất trong số các danh nhân của làng là Hữu quân Đô thống Lê Sỹ, người từng phục vụ tận tụy 4 triều vua từ Thiệu Trị, Tự Đức, Dục Đức đến Hiệp Hòa và từng được triều Nguyễn trao cho nhiều chức vụ quan trọng, như: Chưởng quân Hữu dực, Tả dực Doanh vũ Thống chế, Hữu quân Đô thống.

Cũng thuộc huyện Quảng Ninh, làng Kim Nại (xã An Ninh) là nơi danh sơn và linh địa. Làng ở vào một thế đắc địa “tiền thủy tụ, hậu sơn quy”. Vào đời vua Lê Anh Tông (1556-1573), làng Kim Nại có ông thầy đồ Lê Công Quế thông tuệ chữ Hán đã mở lớp dạy chữ Nho cho con cháu ruột. Về sau, ông mở rộng ra dạy chữ cho con cháu trong họ tộc, làng xã, tạo ra một lớp nho sĩ người làng Kim Nại. Nhờ cần cù chịu khó dạy dỗ và học tập, không lâu sau trên bảng vàng Hương khoa của nhà Nguyễn, làng Kim Nại lần lượt xuất hiện tên tuổi của 3 cử nhân. Ông Lê Công Bảng đỗ cử nhân khoa Tân Dậu năm Tự Đức thứ 14 (1861) lúc đầu làm giáo thụ được ca tụng là một thầy giáo có đức có tài; sau thăng đến chức Tổng đốc. Ông Lê Công Đàn đỗ cử nhân khoa Quý Dậu năm Tự Đức thứ 26 (1873). Ông Lê Nhiếp đỗ cử nhân làm quan tới Tổng đốc, sau thăng lên Thượng thư bộ Lễ – hàm Hiệp tá Đại học sĩ. Người làng Kim Nại có nhiều gia đình nổi tiếng với 3, 4 đời học hành thành dạt.

Tàu hỏa vào hầm qua núi ở Lệ Sơn. Ảnh: Trần An
Tàu hỏa vào hầm qua núi ở Lệ Sơn. Ảnh: Trần An

Đặc sắc về làng nghề, văn hóa lễ hội

Làng chài Cảnh Dương (xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch) nằm ven biển và bên con sông Roòn thơ mộng. Đến Cảnh Dương, du khách có dịp tìm hiểu, trải nghiệm cuộc sống của người dân ở làng nghề truyền thống chài lưới, làm nước mắm, hải sản khô… và còn được thưởng thức làn điệu hát ru mà nét đặc sắc nhất của hát ru Cảnh Dương là ông ru cháu, cha ru con, anh ru em hay tự ru chính mình mỗi khi ra biển. Làng có Linh Ngư Miếu thờ hai bộ xương cá voi là cá bà (cá voi  cái) và cá ông (cá voi đực) đã “lụy” (bị nạn) trôi dạt đến đây. Theo người dân nơi đây, phong tục thờ Cá Ông (thờ Nam Hải Bồ Tát) vẫn được người dân duy trì. Làng có nghĩa địa Cá Voi – nơi yên nghỉ của khoảng 17 cá ông, cá bà, đã “lụy” vào làng từ xưa đến nay.

Theo một số tư liệu tộc phả, làng Thổ Ngoạ (nay thuộc phường Quảng Thuận, thị xã Ba Đồn) ra đời từ năm 1471. Thổ Ngọa là làng có truyền thống khoa bảng với rất nhiều con em đỗ đạt qua các kỳ thi và có nghề làm nón: “Nón Thổ Ngoạ đưa ra Hà Nội/ Nón bài thơ tốt lắm anh ơi/ Anh về mua một vài đôi/ Chiếc tặng bạn gái, chiếc thời mẹ cha”… Làng Thổ Ngọa có chợ Họa nằm bên một nhánh của dòng sông Gianh, bày bán đủ các sản phẩm mang thương hiệu của chính làng và các địa phương lân cận và được nhắc đến trong Đại Nam nhất thống chí. Thổ Ngọa xưa là vùng đất có nhiều di tích văn hoá vật thể, như đình làng, đền Quan Tả, đền Văn Thánh, đền Võ Thánh, miếu Tam Toà, chùa Cảnh Tiên…

Làng Cổ Hiền (xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh) là vùng đất linh khí nằm chỗ giáp lưu của ba dòng sông Kiến Giang, Long Đại và Nhật Lệ, có từ đời Lê Hiến Tông năm thứ hai (1498). Làng có nguồn gốc từ làng Cổ Trai (Hải Phòng). Trong gia phả của cả ba họ Lê, Trương, Nguyễn có công khai khẩn vùng đất này, các bậc tiền nhân đã có giao ước với nhau một số điều. Trong đó, thống nhất lấy ngày đông chí hằng năm làm ngày kỵ chung của ba vị thủy tổ và sau khi các cụ về trời, con cháu phải lập ba cái miếu để thờ cùng trong một địa điểm. Những giao ước của các cụ tổ xưa được các thế hệ tiếp nối thực hiện. Cổ Hiền có những lễ hội mang màu sắc rất riêng, như: Lễ Xuân Đinh tế Khổng Tử ở Văn Thánh vào tháng 2, lễ Kỳ Phúc vào tháng 6, lễ Dương khao vào tháng 7… Trong đó, vào ngày lễ Kỳ Phúc, mọi đinh tráng, chức sắc trong làng đều phải có mặt tại đình làng để dự lễ và phục vụ việc hành lễ

Nguồn: laodong.vn
.ĐINH XUÂN TRƯỜNG

Để lại một bình luận