Bài viết Bài viết lấy từ nguồn khác

Anh Hải trong bài viết này chắc là minh đây

Được đăng bởi Người Lệ Sơn

Chỉ còn 3 ngày nữa bước sang năm mới, nhưng anh bạn vẫn buột miệng hỏi tôi: “Hôm nay ở nhà đã cúng ông Công ông Táo chưa nhỉ?” Trả lời bạn, nhưng trong lòng tôi cũng nhủ thầm: Mấy năm sang Đức học, nếu không nhờ những cuộc điện thoại từ nhà gọi sang, chính mình cũng quên rằng Tết đang về.

Tháng Tết, tháng thi

Với những sinh viên du học, có lẽ quãng thời gian dăm ba năm xa quê hương, xa một cái Tết sum vầy cùng gia đình, xa cái không khí náo nức đến nao lòng mỗi độ xuân về, chỉ là một giai đoạn thử thách.

Gặp bạn bè trong dịp này, thỉnh thoảng vẫn nghe được những câu cửa miệng như: “Thôi thì cố chịu mấy năm rồi về!“ Có người an ủi logic hơn: “Chơi Noel rồi ăn Tết Dương với “Tây“ vui thế còn gì, một năm lại đòi những hai lần linh đình năm mới, sang thế?“

h
Một buổi lễ chúc mừng năm mới của cộng đồng người Việt tại Leipzig (Đức)

“Ở đâu theo đấy”, nhất là với giới trẻ thì việc được đi đây đi đó, hòa nhập với cộng đồng và cùng tham gia phong tục đón năm mới của họ cũng là những kinh nghiệm văn hóa bổ ích và ý nghĩa. Thế nhưng, ai cũng chạnh lòng, bên cạnh niềm vui hiểu biết khám phá, đằng sau những buổi liên hoan năm mới ồn ã, trong người dường như vẫn luôn canh cánh một câu hỏi: “Còn ngày Tết của mình thì sao đây?“.

Những sinh viên có các môn thi sớm hoặc học ở những khoa thi sớm thì may mắn có một dịp Tết không thi cử. Tuy nhiên, hết “vụ học” thì lại bắt đầu “vụ làm”. Sinh viên xa nhà thường tranh thủ 1,2 tháng nghỉ giữa kỳ để kiếm thêm.

Trang, sinh viên Trường Heidelberg tiết lộ: “Năm ngoái em đi làm vào đúng mùng một Tết“. Trong lúc quê nhà mọi người háo hức đón xuân thì Trang cặm cụi đi làm ở xứ người, nhưng Trang đã quen với cảnh này: “Em không thấy gì, mệt quá cũng chẳng nghĩ được gì, Tết xa xứ mà…“.

Chuyện như Trang không hiếm. Nhiều khi, ngay trong những ngày lễ Tết chính thức của nước sở tại, trong lúc pháo hoa rợp trời và người người nổ sâm panh mừng năm mới, nhiều bạn vẫn làm việc bên những bàn bếp, mướt mải sau các quầy bar hay nặng trĩu tay bưng thức ăn cho khách đón tất niên.

Bình thường, vài năm sinh viên du học tại Đức mới về Việt Nam ăn Tết cùng gia đình một lần. Sinh viên nào có điều kiện khá hơn và không bận thi cử có thể về nhiều lần một năm. Số đông còn lại, tự hài lòng với một cái Tết giản đơn gồm một bánh chưng, một khúc giò. Nhiều thời gian hơn thì một chõ xôi, may mắn hơn nữa thì tụ tập được một nhóm bạn để liên hoan cùng hoặc tham gia kỷ niệm với hội sinh viên ở các thành phố lớn.

Tết là nỗi nhớ

Tết xa quê, dù ở bất cứ nơi đâu cũng làm người xa xứ nhớ về quê hương. Với sinh viên Việt Nam tại Đức, những buổi giao lưu đa văn hóa, những điều mới lạ, nhiệt tình và hoài bão tuổi trẻ cũng phần nào lấp đi khoảng trống tình cảm trong lòng. Thế nhưng, đối với những người con đất Việt đã phiêu bạt nơi đất khách vài chục năm qua, vẫn luôn trăn trở trước mỗi cái Tết xa quê, mà không dễ gì nguôi ngoai.

Phần đông người Việt Nam định cư tại Đức là công nhân xuất khẩu lao động vào những năm 80. Khi đó, CHDC Đức đang thiếu hụt nhân công ở một số ngành nghề như sản xuất ôtô, giặt là hay hóa chất. Những người lao động hợp đồng được dồn vào sống trong các khu chung cư tách biệt, dưới sự giám sát của chính quyền. Họ bắt đầu công việc sau 2 tháng học tiếng Đức.

Nhiều khó khăn dồn dập với họ. Vấn đề hòa nhập cộng đồng ban đầu không nằm trong chủ trương của Nhà nước Đông Đức. Sau thời gian lao động 5 năm, trong hợp đồng công nhân, họ sẽ được gửi trả về Việt Nam. Vào thời điểm cuối năm 1989, 2/3 trong số 90 ngàn công nhân nước ngoài làm việc tại CHDC Đức là người Việt.

Bước ngoặt năm 90 gây ra xáo động lớn không chỉ đối với người dân Đức mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai của 10 vạn lao động đang trong hợp đồng với đất nước bên Đông. Đa số các nhà máy đóng cửa, 70% công nhân mất việc làm, kéo theo là tình trạng mất nơi ăn chốn ở.

Mọi người đều hoang mang giữa hai con đường, ở hay về? Muốn ở lại thì phải tìm cách xin. Phải kiếm ra việc làm, phải có nhà cửa. Về thì phải hòa nhập lại với cuộc sống ở nhà. Những người chấp nhận kết thúc hợp đồng trước thời hạn để về nước khi đó được Chính phủ Đức đền bù một khoản tiền 3000DM.

“Những ngày đầu sang ai cũng nhớ nhà lắm…“, ông bà Liên – Trực, chủ một cửa hàng đồ ăn nhanh châu Á tại thành phố Suhl tâm sự với tôi. “Cái Tết đầu tiên là cái Tết da diết nhất. Nhớ mẹ già ở nhà, nhớ quê hương, nhớ tiếng pháo nổ, nhớ miếng bánh chưng mà không làm cách nào gói được…“

Hồi đó, lá dong cũng như các thứ đồ thực phẩm châu Á không sẵn như bây giờ. Cùng lắm chỉ có gạo nếp, mọi người ở nhà mang sang. “Tết đến, tôi đã nấu một đĩa cơm, thắp hương cúng tổ tiên, ý nghĩa lắm!“ – bà Liên nhớ lại.

“Tết ta thì nhà máy họ cũng không cho mình nghỉ, vì không phải ngày lễ của họ. Nếu có ai đó làm thay thì được nghỉ, hoặc cũng có nơi họ biết, nên họ cho về trước 1-2 tiếng. Mà hồi đó, Việt Nam vẫn chưa có điện thoại, đầu năm 90 mới có lác đác, thư từ gửi về đến nhà cũng mất 2 tháng“ – ông Trực tiếp lời.

Hoàn cảnh là vậy, nên đối với công nhân xuất khẩu lao động tại Đức ngày ấy, Tết đến cũng chỉ có… nỗi nhớ, nhưng không sao khuây khỏa.

Tết ơi…

Tính đến năm 1997, khoảng một nửa trong số công nhân Việt Nam được xác nhận hồi hương. Những người ở lại, phải lăn lộn trong cuộc mưu sinh để tồn tại. Họ lập gia đình, sinh con đẻ cái, mở cửa hàng bán quần áo, hoa quả hay đồ ăn. Ngày đêm công nhân Việt trên đất Đức cặm cụi bước theo con đường mình đã chọn. Bây giờ, đa số người ở lại cũng đã ổn định cuộc sống. Đã có nhiều người “ăn nên làm ra” và tạo lập được danh tiếng nơi đất khách, nhưng cái Tết nơi quê nhà dường như vẫn cứ xa vời.

k
Một cửa hàng hoa của người Việt tại Leipzig.
“Bây giờ chúng tôi, cũng như các ông bố bà mẹ bên này, chỉ có mục tiêu duy nhất là nuôi dạy con em ăn học nên người. Người Việt mình rất coi trọng giáo dục, cho nên hầu như con cái nhà nào học cũng giỏi, được tuyển vào trường điểm của vùng. Đã chấp nhận hy sinh vì con cái cũng phải bám trụ ở đây cho tới khi chúng lớn khôn, có nghề nghiệp ổn định thì mới tính tiếp được…“ – một Việt kiều tâm sự.

Quanh năm bộn bề công việc, nếu có tranh thủ dịp nghỉ lễ về thăm quê, đa phần người Việt tại đây vẫn chọn dịp Noel và Tết dương lịch. Bởi nếu về dịp Tết cổ truyền, các em nhỏ sẽ phải nghỉ học văn hóa cả tháng, công việc kinh doanh của bố mẹ chúng cũng bị tạm dừng.

“Các em vẫn được đón Tết Việt do Hội người Việt tổ chức và thật mừng là các em đều hiểu được tiếng mẹ đẻ, rất có ý thức tìm hiểu văn hóa dân tộc. Ở những vùng có đông người Việt sinh sống, cộng đồng thường tổ chức liên hoan đón Tết hằng năm, nhưng dù sao, vẫn thiếu không khí háo hức chuẩn bị trước cả tháng trời, thiếu cái nao nức trên mỗi khuôn mặt người vào những ngày giáp Tết.“ – anh Hải, nhân viên một văn phòng du lịch ở Leipzig giãi bày.

Anh Hải là một trong số không nhiều sinh viên ở lại Đức làm việc sau khi tốt nghiệp. Người thân của anh đều ở Việt Nam nên trước đây, vài ba năm anh mới về được một lần. Bây giờ thì đỡ hơn, có năm anh cũng về được vài ba lần thăm gia đình.

Tương lai, chuyện về hay ở Hải còn chưa biết. Anh bảo: “Cứ phải sống tiếp đã…“

Ai rời quê hương cũng sẽ đứng trước những chọn lựa hoặc cuốn theo cuộc sống bộn bề nơi xứ người với sự đánh đổi và hy sinh. Thế nhưng, cứ đến những ngày xuân, giữa công việc chất chồng, đâu đó trong mỗi người con xa xứ vẫn vang lên tiếng gọi “Tết ơi”, khi nỗi nhớ về quê hương cứ đau đáu…

Xuân Trường (từ Đức)

(Theo http://www2.vietnamnet.vn/psks/2008/02/767374/

Để lại một bình luận